Dự án luồng Cửa Lở hứa hẹn sẽ tạo ra một bước ngoặt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế Quảng Nam kiến tạo tương lai tại một trung tâm logistics biển đầy triển vọng.
Dự án luồng Cửa Lở mục tiêu đón tàu trọng tải 50.000 tấn, mở ra một chương mới nhiều hứa hẹn cho hoạt động logistics và thu hút đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm Chu Lai và tỉnh Quảng Nam.
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP quy định rõ việc quyết định chủ trương đầu tư luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công.
Với luồng hàng hải không thuộc trường hợp sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.
Các dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng).
Việc đầu tư xây dựng luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật.
Từ đây, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam khẳng định nếu đầu tư luồng hàng hải Cửa Lở không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, việc quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.
Trường hợp UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng luồng Cửa Lở theo hình thức hợp đồng Xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT), việc quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện tuân thủ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng luồng hàng hải Cửa Lở, trước đó tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức BT.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ký công văn chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án Đầu tư xây dựng Luồng Cửa Lở; cầu kết nối khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa và đường nối Khu công nghiệp Việt Hàn với đường Võ Chí Công theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng.
Tỉnh này đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh – là Công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn THACO, lập hồ sơ đề xuất Dự án luồng Cửa Lở, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét trước ngày 30/6.
Theo đề xuất của doanh nghiệp này, dự án gồm tuyến luồng dài khoảng 6 km, rộng 140 m, độ sâu nạo vét đến -13,2m (theo hải đồ). Tổng khối lượng nạo vét ước tính hơn 20,9 triệu m³, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.648 tỷ đồng.
Hai hạng mục còn lại gồm cầu kết nối khu bến Tam Hiệp – Tam Hoà (dài khoảng 1.540m, tĩnh không 100 x 36,5m, rộng 17,5m quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.286 tỷ đồng) và tuyến đường nối khu công nghiệp Việt Hàn với đường Võ Chí Công (dài 3,5 km, lộ giới 22 m, đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h) có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đề xuất thanh toán hợp đồng thực hiện dự án bằng các quỹ đất đối ứng bao gồm: Khu phi thuế quan, bến cảng Tam Hoà (797 ha), khu dân cư – đô thị Tam Hoà – Tam Tiến (1.755 ha) và khu Long Thạnh Tây (32 ha).
Trường hợp giá trị các quỹ đất đối ứng và sản phẩm cát nạo vét không đủ thanh toán, phần còn lại sẽ được cân đối từ nguồn vốn đầu tư công của địa phương.
Dự án luồng Cửa Lở được đề xuất thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư với phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, cảng biển của tỉnh được định hướng phát triển thành cảng loại I, tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT. Dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng Quảng Nam đạt 8,5 -10,3 triệu tấn, trong đó container đạt 0,6 – 0,8 triệu Teu. Cảng sẽ đóng vai trò trung tâm logistics của miền Trung – Tây Nguyên, kết nối ra biển Đông cho Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Tuy nhiên, hiện tuyến luồng Kỳ Hà chỉ đáp ứng tàu 15.000 DWT đủ tải, hoặc 20.000 DWT giảm tải, chưa tương xứng với quy mô hạ tầng cảng đã đầu tư và tốc độ tăng trưởng hàng hóa. Kết nối đường bộ đến cảng cũng còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả vận chuyển.
Do đó, đầu tư luồng Cửa Lở tiếp nhận tàu 50.000 DWT là hạ tầng hàng hải công cộng quan trọng, mang tính quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong bốn dự án THACO đề xuất đầu tư mới tại Quảng Nam trong buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Tập đoàn Trường Hải (THACO) cuối tháng 2 vừa qua.
“Hiện cảng Chu Lai chỉ vận chuyển hàng đến các cảng ngắn tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, chưa khai thác được các tuyến dài hơn như đến Mỹ, châu Âu. Giá cước vận tải còn cao so với khu vực. Sau khi đầu tư luồng Cửa Lở, sẽ khai thác các tuyến dài hơn, hướng đến giá cước tương đương Cảng Đà Nẵng và các cảng lớn hai miền Nam – Bắc”, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự án cũng tạo thêm việc làm cho lao động ngành dịch vụ vận tải, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, tăng thu ngân sách địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Nam.
Từ những phân tích trên, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư, làm cơ sở để địa phương triển khai đầu tư dự án đúng quy định pháp luật.
Theo các chuyên gia, sức hấp dẫn của Dự án tuyến luồng Cửa Lở không chỉ nằm ở bản thân công trình, mà còn ở sự liên kết chặt chẽ với Khu phi thuế quan Tam Hòa. Với quy mô gần 800ha, Tam Hòa được quy hoạch để trở thành một trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển hiện đại, không chỉ phục vụ nhu cầu của Quảng Nam mà còn là “cầu nối” quan trọng với Nam Lào, Bắc Campuchia và vùng Tây Nguyên thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây.
Vị trí chiến lược của Khu phi thuế quan Tam Hòa, nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai và kết nối trực tiếp với cảng Chu Lai thông qua tuyến luồng Cửa Lở, tạo ra một lợi thế logistics vô cùng lớn. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như Đông Bắc Á, châu Âu và Mỹ thông qua hệ thống vận tải biển và logistics hiện đại. Bên cạnh đó, khu vực này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hội nhập quốc tế và mở ra cơ hội hợp tác thương mại với các đối tác quốc tế.
Dự án tuyến luồng Cửa Lở không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp, mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn. Việc phát triển Chu Lai trở thành một trung tâm logistics đa phương tiện sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm chất lượng cao cho người dân địa phương, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của lực lượng lao động. Sự kết nối vùng thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây sẽ được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hợp tác giữa miền Trung Việt Nam với các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Dự án tuyến luồng Cửa Lở đang hứa hẹn sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn