Chắc chẳng có nơi nào ở châu Âu bạn có thể thưởng thức nhiều món Việt như ở Đức. Từ hòn đảo xa xôi Rugen phía bắc trên biển Baltic đến mỗi ga tàu trung tâm trong các thành phố lớn, nơi đâu cũng thấy quán Việt.
Món Việt kết nối
Trên chuyến tàu từ Cologne đến Berlin, tôi ngồi đối diện với cặp vợ chồng người Đức lớn tuổi, đã nghỉ hưu. Nhiều người nói, người Đức lạnh lùng, hiếm khi bắt chuyện người lạ. Tôi chủ động gật đầu chào khi ngồi xuống và họ đáp lại bằng ánh mắt dò hỏi. Nhưng sau một chặng ngắn, khi thấy chiếc bình nước của tôi để trên bàn có dòng chữ “Việt Nam”, người vợ bất ngờ lên tiếng.

Một quán ăn Việt Nam nằm trong trung tâm thương mại ở Hamburg
ẢNH: NTT

Hai quán Việt Nam trên cùng một cung đường ở trung tâm Frankfurt, phía sau chiếc xe hơi đen là quán bún bò Huế và phở
ẢNH: NTT
Vợ chồng ông bà Muller từ ngoại ô Cologne, thành phố lớn thứ tư nước Đức, cách Bonn – thủ đô cũ của Tây Đức khoảng 35 km, để tới Berlin thăm gia đình con trai trong kỳ nghỉ lễ Lao động 1.5. Là người lớn lên ở Đông Đức, bà biết nhiều người Việt và có cơ hội thưởng thức các món Việt Nam nhưng chưa từng đặt chân tới đất nước mà bà cho là “vô cùng quen thuộc”. “Chúng tôi từng lên kế hoạch đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và Nhật Bản; luôn nghĩ về những nơi này nhưng thời gian cứ trôi qua, giờ chúng tôi đã quá già, sức khỏe lại kém đi”, bà nuối tiếc.
Câu chuyện kéo dài suốt quãng tàu còn lại, từ Bức tường Berlin chia cắt đất nước, hòa hợp trở lại khi bức tường sụp đổ và không thể thiếu… phở. Bà thừa nhận, ẩm thực đã kết nối mọi người và cho biết, món Việt quá phổ biến ở đất nước này, nhất là phở. Đây có thể là món nước ngoài được biết tới nhiều nhất sau kebab (hay doner) của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên nhiều tuyến đường lớn ở các thành phố Đức, hay trong các trung tâm thương mại, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn Việt Nam, bán đa dạng các món từ phở cho tới bánh mì, bún, miến, chả giò
ẢNH: NTT
Người Việt hiện là nhóm cư dân ngoại quốc gốc Á lớn nhất tại nước Đức, với hơn 200.000 người. Sự hiện diện của họ ở khắp các bang, thành phố và bạn không mất nhiều thời gian để kiếm được tô phở nóng, tô bún bò cay hay tô cháo lươn trong một ngày lạnh lẽo cần nạp chút năng lượng quê nhà. Khắp các ga tàu ở những thành phố lớn nước Đức, bạn dễ dàng bắt gặp quán ăn có chữ Việt Nam. Thực khách không chỉ người Việt xa xứ….
Người Việt ở Đức đóng vai trò quan trọng, nhiều người thành danh, thậm chí còn có người gốc Việt từng làm Phó thủ tướng Đức – ông Philip Rosler (từ năm 2011 – 2013).

Quán ăn Việt Nam ở ga tàu trung tâm thành phố Mannheim. Đây là thương hiệu đã phát triển thành hệ thống, gần như hiện diện ở hầu hết các ga tàu lớn
ẢNH: NTT
Dọc đường ăn uống
Rugen là hòn đảo lớn nhất nước Đức, nằm trên biển Baltic, phía bên kia là Đan Mạch và cách Berlin khoảng 300 km. Hòn đảo có một số bãi biển cát trắng, là điểm đến khá nổi tiếng của người Đức vào mùa hè. Tôi đến đảo vào những ngày cuối tháng 4, nắng ấm nhưng nước lạnh như ngâm đá, buổi chiều tối trời mưa dầm. Tiết trời này, chỉ có thể ăn món gì nóng, tôi tìm kiếm trên mạng và bất ngờ phát hiện có quán Việt. Những tưởng ở vùng đất xa xôi này, cách trở về mặt đi lại, sẽ không có quán ăn Việt Nam nào, nhưng không…

Chị chủ quán và các bạn trẻ phục vụ người Việt bên trong quán ăn trang trí những hình ảnh gần gũi, mái tranh, nón lá, trên hòn đảo xa xôi phía bắc nước Đức
ẢNH: NTT
Quán nằm cách trung tâm du lịch của hòn đảo khoảng 20 phút đi bộ, đông đúc trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Thực đơn quán, tất nhiên không thể thiếu món phở, dù được chế biến khác xa món phở ở Berlin hay Frankfurt… Nhưng chỉ cần một ít mùi vị của phở cũng làm tôi tỉnh người sau hành trình dài di chuyển mệt mỏi kết hợp giữa tàu và xe buýt. Chị chủ quán người Hà Nội cho hay, chị mở quán này từ 10 năm trước, chủ yếu khách du lịch người nước ngoài, đông nhất vào mùa hè còn vào mùa đông kéo dài 4 tháng, quán đóng cửa phần lớn thời gian. Nhân viên của quán cũng là những bạn trẻ người Việt. Họ thừa nhận, hiếm khi có khách Việt kiều tới quán, và tôi có lẽ là vị khách đầu tiên từ Việt Nam qua.
Món Việt ở Đức đa dạng. Có những quán giữ lại vị nguyên bản, như món phở Hà Nội ở Frankfurt là tô phở ngon nhất tôi từng ăn trong suốt hành trình. Cũng chính nơi này bán tô bún bò, gần giống món bún bò tôi ăn ở Sài Gòn. Kể cả món bánh mì, cũng tuyệt vời. Cả hai lần ở Frankfurt trong chuyến đi này, tôi đều ghé qua, ăn món mình thích.
Món bún bò và phở ở quán An, Frankfurt, được nhiều thực khách khen ngon
ẢNH: NTT
Ở Đức, món ăn bạn có thể thấy ở mọi nẻo đường là kebak (cả doner) của người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng phở, bún bò, bánh mì… cũng hiện diện khắp nơi, trong những quán ăn Việt Nam và cả những quán có bảng hiệu Thái, Nhật, hay châu Á (Asia) nhưng có chủ người Việt. Trong suốt hành trình, tôi nhiều lần ăn phở, bún bò nhưng món khiến tôi bất ngờ nhất chính là cháo, miến lươn bán ở một quán Việt tại Berlin. Bưng tô cháo lươn bốc khói tỏa hương thơm, cảm giác như mình đang ở Việt Nam…

Tô cháo lươn, ly nước mía, bắp chiên trong một quán Việt ở Berlin
ẢNH: NTT
Tất nhiên, không phải quán Việt nào cũng bán món Việt… đúng hương vị Việt. Điều này cũng dễ hiểu, do người phương Tây không hợp với những hương vị cay nồng hay nhiều mùi của rau thơm, hành tỏi. Họ buộc phải gia giảm cho phù hợp với nhóm khách chính của mình. Như bữa tôi đến Mannheim rồi từ đó qua Heidelberg, thành phố cổ nổi tiếng cách Frankfurt tầm 100 km, gặp quán ăn có tên “Sai Gon”. Món bún chả có cả phần ức gà nướng nhằm giúp thực khách phương Tây no bụng do miếng thịt heo nướng và miếng chả khá nhỏ. Nhưng không sao, chỉ cần đó là món Việt, tên Việt là đủ.
Quán Việt trong thành phố cổ Heidelberg
ẢNH: NTT
Bên trong “Hà Nội thu nhỏ”
Khách Việt đến Đức mà không tới chợ Đồng Xuân, thì… chưa biết hết về nước Đức. Chợ Đồng Xuân như một “Hà Nội thu nhỏ” trong lòng nước Đức, không chỉ bởi cái tên mà còn có rất nhiều thứ gợi nhớ. Bạn lên chuyến tàu điện M8 trước ga trung tâm Berlin, cảm giác như mình đang trên một chuyến tàu ở Việt Nam, bởi có đông đúc người Việt cũng lên chuyến tàu đó để về chợ Đồng Xuân (khoảng 40 phút). Bước vào cổng chợ, được dựng đơn sơ, bạn lạc vào thế giới khác. Ở đó không có tiếng Đức, không có tiếng Anh, gần như không có tiếng nước nào khác và chỉ có tiếng Việt.

Cổng vào chợ Đồng Xuân
ẢNH: NTT
Chợ Đồng Xuân Berlin, cùng với chợ Sa Pa ở Praha, CH Czech là hai chợ Việt lớn nhất châu Âu, và có lẽ là hai khu chợ Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Nói tới chợ, không thể không nói tới ăn uống. Nếu so sánh, chợ Sa Pa có các nhà hàng tập trung thành từng dãy đông đúc và đa dạng vùng miền hơn, trong khi chợ Đồng Xuân, nhà hàng nằm rải rác, ít hơn nhưng độ ngon và món ăn phong phú không kém. Trên thực tế, nhiều nguyên liệu khó tìm kiếm ở Đức, chẳng hạn như lươn, được đưa qua chợ Sa Pa rồi từ đó mới đến chợ Đồng Xuân. Nhiều loại trái cây như vải, thanh long… cũng vậy. Ngoài ra, giá cả ở chợ Đồng Xuân đắt hơn chợ Sa Pa.
Chợ Đồng Xuân hình thành từ nhiều khu nhà (hall), có tổng diện tích 150.000m2, được thành lập cách đây hơn 20 năm bởi ông Nguyễn Văn Hiền
ẢNH: NTT
Bên trong chợ, chủ yếu bán sỉ hàng hóa, thời trang, nhưng có nhiều siêu thị mini bán hàng Việt. Món Việt gì cũng có, nhưng… rất đắt. Chẳng hạn, một trái thanh long có giá 17 euro (493.000 đồng) hay một củ đậu nhỏ ngang nắm tay giá 20 euro (cao hơn nhiều so với giá một tô phở hay bún bò, thường là 15 – 17 euro). Bạn cũng có thể vào đây cắt tóc, sửa quần áo, gội đầu… với giá rẻ hơn bên ngoài rất nhiều.
Với hơn 2.000 người Việt Nam buôn bán kinh doanh bên trong, nhiều người nói rằng, nếu phải ở trong chợ một tháng, bạn có khi không cần phải nói một từ tiếng Đức, chỉ dùng tiếng Việt và ăn đồ Việt…
Nguồn: thanhnien.vn