Tuesday, May 13, 2025

PGS-TS Bùi Hiền, ‘cha đẻ’ công trình cải tiến chữ quốc ngữ dậy sóng vừa qua đời

PGS-TS Bùi Hiền, người từng làm dậy sóng bởi công trình cải tiến chữ quốc ngữ vào cuối năm 2017, đã qua đời tại TP. Việt Trì, Phú Thọ.

Theo thông tin từ người thân và một số bạn bè, PGS-TS Bùi Hiền mất vào chiều 11.5 tại nhà riêng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hưởng thọ 90 tuổi. 

Lễ viếng sẽ được tổ chức vào 13 giờ ngày 12.5, lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 6 giờ 30 ngày 13.5 tại quê nhà Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ. Sau đó đưa đi hoả táng tại Ba Vì, Hà Nội và an táng tại nghĩa trang quê nhà Vĩnh Chân.

Công trình cải tiến chữ quốc ngữ gây tranh cãi dữ dội

Vào tháng 11.2017, Báo Thanh Niên đăng bài viết về nội dung cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền (Khi ‘Tiếng Việt’ được viết thành ‘Tiếq Việt’), đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm ngàn độc giả. Có rất nhiều quan điểm trái chiều về chữ cải tiến này, thậm chí mạng xã hội thời điểm đó đã diễn ra nhiều cuộc tranh cãi dữ dội. Không ít người có những lời lẽ quá khích, xúc phạm PGS-TS Bùi Hiền.

PGS-TS Bùi Hiền, 'cha đẻ' công trình cải tiến chữ quốc ngữ dậy sóng vừa qua đời

PGS-TS Bùi Hiền chụp vào cuối năm 2023

Theo đó, chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt.

Nhiều nhà ngôn ngữ thấy đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền hợp lý vì chữ viết này có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. 

Tuy nhiên, theo PGS Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.

PGS-TS Bùi Hiền, 'cha đẻ' công trình cải tiến chữ quốc ngữ dậy sóng vừa qua đời

Công trình nghiên cứu về cải tiến chữ quốc ngữ được đăng ký bản quyền

Sau đó, PGS Bùi Hiền tiếp tục nghiên cứu để công trình cải tiến chữ quốc ngữ của mình trở nên hoàn thiện nhất. Vào tháng 12.2017, ông đã nhận Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho tác phẩm Cải tiến chữ quốc ngữ.

Đầu năm 2018, ông đã chuyển tác phẩm Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ lục bát sang chữ viết cải tiến của mình và tự in thành sách. Cuối năm 2018, cháu nội của PGS-TS Bùi Hiền là Bùi Tiến (tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) đã cùng một người bạn thân làm tặng ông nội mình phần mềm chuyển đổi ‘tiếw Việt’, giúp việc chuyển đổi các tác phẩm văn học hay báo chí sang chữ cải tiến chỉ sau một vài thao tác.

PGS-TS Bùi Hiền một đời tâm huyết với tiếng Nga và chữ cải tiến

PGS-TS Bùi Hiền từng được Nhà nước cử đi học tiếng Nga ở Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, năm 1955 ông về nước và được giao phụ trách Ban Tiếng Nga của Trường Ngoại ngữ ở Hà Nội. Khi Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) thành lập vào năm 1967, PGS-TS Bùi Hiền được giao phụ trách Khoa Tiếng Nga.

Năm 1973, ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) với kết quả xuất sắc ở Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva M.V. Lomonosov.

Sau khi bảo vệ thành công luận án, ông trở về nước, tiếp tục công tác tại Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Năm 1974 ông giữ chức vụ phó hiệu trưởng của Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1978 ông về Bộ GD-ĐT phụ trách ngoại ngữ trong cải cách giáo dục.

Sau đó, PGS-TS Bùi Hiền làm Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1993.

Suốt mấy chục năm nghỉ hưu và trong những năm cuối đời, PGS-TS Bùi Hiền vẫn miệt mài đọc sách, nghiên cứu và luôn tâm huyết với việc cải tiến chữ quốc ngữ. Ông viết nhiều bài như “Vai trò của chữ quốc ngữ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, “Cẩm nang chữ quốc ngữ cải tiến”… 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img