Hiện nhiều người lao động khi tạm dừng công việc nhưng vẫn muốn duy trì quá trình đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để không ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài. Có không ít thắc mắc rằng nếu người lao động nghỉ không lương thì có thể đóng BHXH tự nguyện được hay không.
“Hiện có nhiều người lao động đang nghỉ không lương trong thời gian dài (ví dụ từ 1 đến 3 tháng) vì lý do cá nhân nhưng vẫn mong muốn được tiếp tục đóng BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) theo hình thức tự nguyện để không bị gián đoạn quá trình tham gia và đảm bảo quyền lợi về sau. Tuy nhiên, trường hợp này lại bị vướng thủ tục là chưa cắt giảm hẳn BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp.
Vậy, cần giải quyết cho người lao động xin nghỉ không lương nhưng muốn mua BHXH tự nguyện, BHYT như thế nào? Để không bị gián đoạn thời gian tham gia thì người lao động có thể đóng ngay trong tháng nghỉ hay không?”.

Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025) có quy định cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc đóng BHXH trong tháng người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên
ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH
Cơ quan BHXH trả lời
Về câu hỏi này, BHXH TP.HCM cho hay căn cứ theo quy định tại luật BHYT sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025), người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động có thể tham gia BHYT theo nhóm đối tượng tự đóng (điểm c, khoản 5, điều 12).
Về BHXH tự nguyện, theo quy định hiện hành của luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực đến ngày 30.6.2025):
- Khoản 1, điều 2 quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
- Khoản 4, điều 2 quy định, BHXH tự nguyện dành cho công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, theo khoản 4, điều 2 của luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025), quy định đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng.
- Đối tượng quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1 của điều này đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này.
Điều đó có nghĩa là từ ngày 1.7.2025, người lao động nghỉ không lương mà vẫn giữ nguyên hiệu lực hợp đồng lao động với doanh nghiệp thì chưa đủ điều kiện để chuyển sang đóng BHXH tự nguyện, bởi họ vẫn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Để được tham gia BHXH tự nguyện, người lao động có thể làm thủ tục chấm dứt hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động với doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cần hoàn tất báo giảm tham gia BHXH bắt buộc. Sau đó, người lao động có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện để tiếp tục duy trì thời gian đóng, tránh bị gián đoạn quyền lợi về sau.
Nguồn: thanhnien.vn