VTV.vn – Khánh Hòa nỗ lực đa dạng hóa thị trường khách du lịch, giảm phụ thuộc và hướng đến phát triển bền vững.
Sau thời gian trầm lắng, du lịch Khánh Hòa đang phục hồi rõ nét với dòng khách quốc tế trở lại ngày càng đa dạng. Sự khởi sắc này phản ánh sự nỗ lực của Khánh Hòa trong việc đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc và hướng đến phát triển bền vững.
Sức sống mới từ phố Tây
Ghi nhận từ giữa tháng 3/2025, phố Tây Nha Trang – nơi từng là điểm tụ họp yêu thích của du khách quốc tế – đã nhộn nhịp trở lại. Những con phố như Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai… tấp nập bóng dáng du khách Nga, Kazakhstan, Uzbekistan…
Cô Marina – du khách đến từ Kazan (Nga) chia sẻ: “Tôi đã từng đến Nha Trang trước dịch COVID-19, nay quay lại thấy mọi thứ vẫn tuyệt vời. Biển xanh, ẩm thực ngon, mọi người thân thiện. Và Phố Tây – vẫn là điểm đến không thể thiếu mỗi tối”.

Phố Tây Nha Trang nhộn nhịp du khách.
Không phải ngẫu nhiên mà sự phục hồi này diễn ra. Từ đầu năm 2025, hàng loạt chuyến bay thuê chuyến từ các thành phố của Nga đã được khôi phục. Trong tháng 4, chỉ riêng khách từ các nước CIS (các quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ) đến Cam Ranh đã lên đến hơn 68.000 lượt, tăng gấp đôi so với tháng trước.
Cùng với đó là sự tăng trưởng ổn định từ các thị trường mới nổi: Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan… Với gần 20 hãng bay đang duy trì đường bay thường lệ và charter đến Cam Ranh mỗi tuần, bức tranh khách quốc tế của Nha Trang – Khánh Hòa đang ngày càng đa sắc màu.

Hàng loạt chuyến bay từ các thành phố của Nga đến Khánh Hòa được khôi phục.
Đa dạng hóa khách quốc tế – đòn bẩy cho phát triển bền vững
Năm 2024, Khánh Hòa đã đón hơn 4,8 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Hàn Quốc chiếm hơn 2,4 triệu lượt. Đây vẫn là thị trường chủ lực, đặc biệt là với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Khách Nga tận hưởng kỳ nghĩ dưỡng với biển.
Tuy nhiên, tín hiệu từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây lại cho thấy sự chững lại. Trong tháng 4/2025, lượng khách Hàn Quốc, số chuyến bay từ Trung Quốc cũng có chiều hướng giảm.
Trước thực tế này, các hoạt động xúc tiến du lịch đã được tỉnh Khánh Hòa mở rộng ra các thị trường tiềm năng như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan(Trung Quốc), và sắp tới là khu vực Trung Đông, châu Âu. Những thị trường này không chỉ mang đến sự đa dạng, mà còn có tiềm năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày – yếu tố then chốt để tăng giá trị thay vì chỉ số lượng.
Ông Phạm Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết: chúng tôi đang nỗ lực tăng cường quảng bá, xây dựng các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch, phối hợp với các Hiệp hội Du lịch các địa phương tăng cường quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế. Sắp tới đây, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa sẽ có chuyến đi xúc tiến, quảng bá du lịch Khánh Hòa tại Đài Loan (Trung Quốc). Tỉnh Khánh Hòa cũng có chuyến đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Australia. Chỉ khi có nguồn khách đa dạng, du lịch Khánh Hòa mới có thể trụ vững và bứt phá.

Điểm đến mới Ana Marina Nha Trang – Bến du thuyền quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
Làm gì để giữ đà phục hồi?
Khánh Hòa hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành một điểm đến quốc tế với bờ biển dài và đẹp, khí hậu ôn hòa quanh năm, hệ thống hạ tầng du lịch phát triển, sân bay quốc tế Cam Ranh kết nối thuận tiện với hàng chục thành phố lớn trên thế giới. Những năm gần đây, dòng khách có khả năng chi tiêu cao đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và các quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) đã thể hiện sự quan tâm lớn đến du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe tại Nha Trang – Khánh Hòa.

Hệ thống hạ tầng du lịch phát triển đồng bộ.
Tối ưu nguồn khách, đa dạng hóa khách quốc tế không chỉ giúp ổn định nguồn thu, mà còn nâng cao giá trị du lịch và tạo ra động lực cải thiện chất lượng dịch vụ. Để tận dụng được cơ hội này, theo ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch): Khánh Hòa kết nối thị trường trong và ngoài nước thì cần phải tăng cầu bằng việc đẩy mạnh xây dựng các loại hình du lịch phù hợp với xu thế mới, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Phát triển sản phẩm du lịch bản sắc – kết hợp yếu tố biển đảo với văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm chân thực của du khách quốc tế. Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa thông qua các di sản, di tích cấp quốc gia.

Kết hợp yếu tố biển đảo với văn hóa bản địa đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế.
Để Khánh Hòa trở thành một điểm đến quốc tế năng động, cân bằng, bền vững vẫn cần sự chủ động và không chủ quan. Đa dạng hóa dòng khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ để “giữ” chân du khách. Đó là hướng đi để thành phố biển này vươn mình mạnh mẽ hơn trong bản đồ du lịch toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!