Có những cô gái chọn lùi lại, bước chậm để đi xa hơn. Họ đến những vùng đất hoang sơ, bắt đầu làm nông nghiệp sạch, và kết nối cộng đồng bằng những giá trị bền vững.
Ước mơ về một phiên chợ “sạch và lành”
Thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), cách TP. Đà Lạt khoảng 40km về hướng Cầu Đất, là một vùng đất còn nguyên sơ, hiếm khi xuất hiện trên bản đồ du lịch. Trên đồi thông thôn Kalkill, có một ngôi nhà gỗ nhỏ cả ngày thơm mùi thảo mộc, dễ chịu và ấm áp. Bên hiên nhà, hơn chục bạn chó mèo được chủ nhân cưu mang nằm phơi mình dưới nắng. Trong không gian thanh bình ấy, cô gái trẻ Mộc Khiết chậm rãi pha trà mời chúng tôi và bắt đầu tâm sự về hành trình bỏ phố về rừng trong 2 năm qua.

Góc uống trà nhỏ trên đồi thông của Mộc Khiết.

Khung cảnh yên bình ở thị trấn D’Ran.
“Hồi xưa mình bị bệnh rất nhiều, mình hiểu ra giá trị của cơ thể, của cách ăn uống. Khi còn ở TP Hồ Chí Minh, mình không biết mình đang ăn cái gì, uống ly cà phê cũng không rõ nguồn gốc. Mình không hiểu thực sự cơ thể mình cần gì. Khi nhận ra điều đó, mình quyết định rời đi rất nhanh chóng”, Mộc Khiết kể.
“Giờ đây, mỗi khi uống cà phê, mình biết cảm nhận vị, hiểu công sức của người trồng, người chế biến. Khi mình ăn uống có hiểu biết, mình thấy cơ thể mình khỏe mạnh hơn rất nhiều. Hành trình này là để tìm lại chính mình, chứ không còn ăn uống theo thói quen hay marketing thị trường nữa.”
Dù chọn sống tách biệt trên đồi thông, Mộc Khiết vẫn thường xuyên đón bạn bè ghé thăm – những người trẻ tự do, quan tâm đến sức khỏe và có tình yêu với thiên nhiên. Họ gặp nhau, chia sẻ cách sống lành mạnh, và cùng mơ về những không gian mở, nơi thực phẩm sạch và sự tử tế được trân trọng.
Trong số đó có Nguyễn Thị Bích Trâm, cũng là một cô gái có duyên với Lâm Đồng. Từng đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội vào miền Nam, Trâm dừng chân ở Bảo Lộc vì cảm thấy có một sự kết nối sâu sắc.

Bích Trâm (ngoài cùng bên phải) cùng những người bạn ấp ủ giấc mơ về một phiên chợ ý nghĩa ở Bảo Lộc.
Trâm kể: “Ở đây có nhiều người tài giỏi, làm ra những sản phẩm sạch, nhưng họ sống tách biệt, rời rạc, chưa có không gian để tụ hội, giao lưu, phát triển cộng đồng dựa vào tài nguyên sẵn có. Trong khi đó ở Đà Lạt đã có những phiên chợ được tổ chức rất thành công và thu hút nhiều người thú vị. Nên ý tưởng về một phiên chợ ở Bảo Lộc của mình nảy mầm từ đó.”
Phiên chợ nhỏ mang tên “Xổm” đã được tổ chức thử nghiệm – nơi mọi người bày bán từ rau củ, bánh mứt, đồ handmade, đến nến thơm, trà thảo mộc, sách cũ. Trong không khí dung dị như chính cái tên của nó, những người tham dự cảm thấy thực sự kết nối, khi mọi người cùng nhau trao đổi hàng hóa sạch, trẻ nhỏ tham gia buổi workshop vẽ tranh, người lớn tìm thấy sự nhẹ nhõm qua những câu chuyện chân thành,…

Phiên chợ là nơi mọi người có thể tự do thể hiện mình, bày mặt hàng trên thảm cỏ, hay cùng ngồi bệt xuống để ăn bánh, uống trà dưới bầu trời xanh trong.

Những sản phẩm hữu cơ sạch và lành có cơ hội “kể” câu chuyện của mình với người tiêu dùng.

Các bạn nhỏ được tham gia nhiều hoạt động bổ ích.
Với sự chung tay của Mộc Khiết và những người bạn chung chí hướng, phiên chợ tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây, với quy mô chuyên nghiệp hơn, hứa hẹn là điểm gặp gỡ của những người tin vào giá trị nông sản sạch và cuộc sống bền vững. Đây sẽ không phải một phiên chợ trao đổi những “mùa nào thức ấy” đơn thuần, mà còn chính là nơi những tiếng cười, sự sẻ chia, thấu hiểu được nuôi dưỡng và lan tỏa thông qua chính sản phẩm mà mọi người mang đến, thật lành và xanh.
Gieo những hạt giống lành cho một nền du lịch xanh
Cách D’Ran hơn 1.500 cây số, trên cao nguyên Mộc Châu, Phan Thị Đào – quản lý Mocha Farm, cũng đang lặng lẽ gieo những mầm xanh cho nông nghiệp sạch. Tốt nghiệp ngành Hóa học của Đại học Khoa học Tự nhiên, cô gái nhỏ sinh năm 1997 chọn từ bỏ phố thị để xây dựng một trang trại theo hướng canh tác tự nhiên, bền vững.
“Hiện tại, người dân Mộc Châu bắt đầu làm du lịch nông nghiệp, nhưng ít đơn vị thật sự hướng đến phát triển bền vững lâu dài. Trong canh tác, họ vẫn chưa áp dụng nhiều kỹ thuật sinh học, chưa đảm bảo được quy trình an toàn cho hoa trái. Mình hi vọng mô hình của mình sẽ góp phần thay đổi nhận thức, giúp mọi người đi theo hướng nông nghiệp xanh”, Đào chia sẻ.
Tại Mocha Farm, Đào kiểm tra chất lượng quả qua vi sinh vật tổng, phân tích hàm lượng kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadmium, asen, đồng thời xét nghiệm mẫu đất và nước trong phòng thí nghiệm. Trang trại áp dụng các biện pháp sinh học như dùng bẫy ruồi vàng tự nhiên, phát cỏ gốc thay cho thuốc diệt cỏ, ủ phân cá bằng men Trichoderma trong thùng kín – một loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, thân thiện với môi trường.

Ủ cá thành phân bón đem lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho cây trồng như axit amin, đạm, khoáng chất, kali và các loại vitamin.
Không hướng đến số lượng khách lớn, Mocha Farm tập trung xây dựng trải nghiệm sâu sắc: bố trí bàn ghế dưới gốc cây, phân loại rác tại nguồn, hạn chế tối đa túi nilon, tạo không gian để du khách cảm nhận thiên nhiên một cách trọn vẹn và có ý thức bảo vệ môi trường.
“Có những lúc mình tưởng chừng muốn từ bỏ, vì chi phí đầu tư quá lớn, doanh thu chưa ổn định, áp lực dư luận… Nhưng những lời động viên của khách hàng, cùng niềm đam mê với đất, với cây, đã giúp mình vững bước. Mong ước của mình là đưa nông sản Mộc Châu ra thị trường quốc tế trong 2-3 năm tới.”, Đào bộc bạch.

Mận Mộc Châu nếu được trồng với quy trình sạch và bền vững sẽ được thị trường quốc tế đón nhận.

Du khách đến trải nghiệm tại Mocha Farm.
Trong dòng chảy nông nghiệp và du lịch xanh đang dần lớn mạnh, những cô gái như Mộc Khiết, Bích Trâm hay Phan Thị Đào đang thầm lặng gieo những hạt giống lành, không chỉ trên đất, mà còn trong lòng người. Mỗi bước đi của họ, dù nhỏ bé, đều góp phần làm nên một tương lai, nơi nông sản sạch, sự tử tế và tình yêu thiên nhiên được tôn vinh đúng với giá trị vốn có.