Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023.
Thông tin về hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia những ngày gần đây khiến không ít người dân lo ngại. Trước diễn biến đó, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi sát tình hình, đồng thời khuyến cáo các biện pháp phòng dịch phù hợp trong bối cảnh COVID-19 vẫn là bệnh lưu hành.
Thế giới giảm ca bệnh, nhưng vẫn có điểm nóng
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, trong vòng 28 ngày tính đến 27/4/2025, thế giới ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm COVID-19 – giảm gần 57% so với chu kỳ trước. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn có số ca mắc cao như Brazil (trên 7.000 ca), Anh (trên 5.000 ca).
Thái Lan ghi nhận hơn 53.000 ca mắc từ đầu năm, trong đó riêng Bangkok có hơn 16.700 ca. Đặc biệt, tuần từ 27/4 đến 3/5 ghi nhận hơn 14.000 ca mới. Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron được cho là nguyên nhân chính dẫn tới đợt tăng này, mặc dù đa phần các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ và chưa có dấu hiệu gây biến chứng nghiêm trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận XBB.1.16 có tốc độ lây lan nhanh, song chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn, và hiện chưa phát đi cảnh báo toàn cầu mới.
Việt Nam ghi nhận 148 ca rải rác, không có tử vong
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận 148 ca mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố – không có trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca cao gồm TP Hồ Chí Minh (34 ca), Hải Phòng (21), Hà Nội (19), Bắc Ninh (14)… Trung bình trong 3 tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận khoảng 20 ca, cho thấy xu hướng tăng nhẹ nhưng chưa có ổ dịch lớn.
Không chủ quan, nhưng cũng không hoảng loạn
Dù dịch đang có dấu hiệu tăng trở lại tại một số quốc gia, Bộ Y tế khẳng định tình hình tại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Sự gia tăng nhẹ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là điều đã được dự báo do nhu cầu đi lại và tụ tập đông người. Tuy nhiên, với đặc điểm lưu hành hiện nay của COVID-19, phần lớn ca bệnh đều nhẹ và không cần nhập viện.
Khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh:
– Đeo khẩu trang tại nơi công cộng, phương tiện giao thông và cơ sở y tế.
– Hạn chế tụ tập nếu không cần thiết.
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Tăng cường vận động, ăn uống hợp lý để nâng cao thể trạng.
– Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, cần đi khám sớm để được xử lý kịp thời.
– Người trở về từ vùng có dịch cần theo dõi sức khỏe, tự cách ly nếu cần thiết.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để theo dõi diễn biến toàn cầu và có phản ứng kịp thời, linh hoạt, không để COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Những biến thể nguy hiểm nhất của virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại là “biến thể đáng lo ngại” (Variants of Concern – VOC), vì có khả năng lây lan mạnh hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc giảm hiệu quả vắc xin:
Nguồn: vtv.vn