Saturday, May 17, 2025

Sôi động các chương trình tìm kiếm tài năng

Thời gian qua, hàng loạt chương trình tìm kiếm tài năng lần lượt ra mắt khán giả, góp phần phát hiện, đào tạo nhân tố mới cho thị trường giải trí. Từng có giai đoạn, các chương trình này gây sốt trên truyền hình, song ở hiện tại, để tạo sức hút như trước lại là bài toán khó đối với nhà sản xuất.

Cơ hội bứt phá bản thân

Thị trường giải trí VN đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng như Tân binh toàn năng, Điểm hẹn tài năng, Trạm phát sóng (+84), Tình ca xuyên Việt… Mỗi chương trình có màu sắc và định dạng khác nhau, song cùng hướng đến mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng những gương mặt mới, có tiềm năng trở thành những ngôi sao giải trí trong tương lai.

Là một trong những chương trình ra mắt gần đây, Tân binh toàn năng tập trung vào lĩnh vực âm nhạc. Theo chia sẻ từ nhà sản xuất, chương trình mong muốn tạo ra bệ phóng mới cho tài năng trẻ VN vươn ra thị trường quốc tế với mô hình nhóm nhạc. Ở mùa đầu tiên, Tân binh toàn năng định hướng phát triển nhóm nhạc nam. Sau quá trình tinh chọn ứng viên, các “tân binh” bước vào lộ trình đào tạo chuyên sâu gần 3 tháng với các chuyên gia từ Hàn Quốc và VN. Các nghệ sĩ SlimV, Tóc Tiên, Soobin, Kay Trần, Đinh Tiến Đạt, S.T Sơn Thạch… tham gia quá trình đào tạo này.

Sôi động các chương trình tìm kiếm tài năng

Các thí sinh của Tân binh toàn năng tập vũ đạo cùng chuyên gia từ Hàn Quốc ẢNH: BTC

Tương tự, Điểm hẹn tài năng gây chú ý khi quy tụ dàn giám khảo tên tuổi gồm nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Trúc Nhân. Ban tổ chức cho biết đây là sân chơi đặc biệt dành cho các bạn trẻ, với mục tiêu tìm kiếm và phát triển các giọng ca có khả năng và tạo ra xu hướng mới. Các thí sinh được chọn vào vòng chung kết có xuất thân đa dạng, từ nữ chiến sĩ bộ đội, hoa hậu đến các diễn viên trẻ chuyển hướng ca hát, được kỳ vọng sẽ cân bằng tiêu chí chuyên môn và thị trường của chương trình.

Cũng trong làn sóng tìm kiếm tài năng, Tình ca xuyên Việt Trạm phát sóng (+84) chọn tiếp cận theo hướng đại chúng hơn, mở rộng cơ hội cho thí sinh ở nhiều độ tuổi và lĩnh vực khác nhau. Tình ca xuyên Việt đang trong giai đoạn tuyển sinh, dự kiến lên sóng vào tháng 6. Chương trình tìm kiếm các giọng ca từ 16 – 45 tuổi, nhắm đến đối tượng là Việt kiều, con lai và người nước ngoài hát tiếng Việt. Trong khi đó, Trạm phát sóng (+84) là cuộc thi nghệ thuật không giới hạn lĩnh vực, dành cho công dân VN từ 16 tuổi trở lên. Chương trình dự kiến tổ chức tuyển sinh tại các tỉnh miền Tây vào cuối tháng 5. Đồng hành cùng chương trình là NSƯT Kim Tử Long, rapper Ricky Star, Lăng LD…; ca sĩ Ngọc Sơn và ca sĩ Phương Thanh trong vai trò hội đồng chuyên môn.

Sôi động các chương trình tìm kiếm tài năng

Nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Trúc Nhân làm giám khảo cuộc thi âm nhạc Điểm hẹn tài năng ẢNH: BTC

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đánh giá: “Sự trở lại của các chương trình tìm kiếm tài năng là tín hiệu tốt, sẽ tạo nên bức tranh sôi động cho thị trường truyền hình. Đây không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn là cơ hội để các bạn trẻ bước chân vào ngành công nghiệp giải trí, tìm kiếm cơ hội bứt phá bản thân”.

THÁCH THỨC CHO NHÀ SẢN XUẤT

Các chương trình tìm kiếm tài năng hiện nay được đầu tư mạnh tay cả về hình ảnh lẫn chiến lược truyền thông. Sân khấu hoành tráng, format mới lạ, đội ngũ giám khảo danh tiếng và kênh phân phối đa nền tảng, từ truyền hình đến YouTube, TikTok… để lan tỏa và tiếp cận đến nhiều khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, việc xuất hiện liên tiếp của nhiều chương trình cùng lúc đặt ra bài toán cạnh tranh khốc liệt, không chỉ giữa các thí sinh, mà còn giữa các nhà đài, nhà sản xuất trong nỗ lực giữ chân khán giả và tạo dấu ấn riêng.

Từng có giai đoạn, các chương trình tìm kiếm tài năng “làm mưa làm gió” như Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, The Voice… tạo nên hàng loạt hiện tượng giải trí và trở thành bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Tuy nhiên, để làm được điều tương tự ở hiện tại là không dễ. Có thể thấy, các chương trình tìm kiếm tài năng đang và sắp lên sóng vẫn chưa tạo được sức hút đáng kể với khán giả. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như format không đặc sắc, thí sinh chưa nổi bật, thiếu nhân tố “gây bão” và câu chuyện truyền cảm hứng, trong khi khán giả ngày càng khó tính hơn và có vô vàn lựa chọn giải trí khác nhau.

Bên cạnh đó, một chương trình thành công không chỉ dừng lại ở giây phút trao giải, mà còn phụ thuộc rất lớn vào chiến lược của nhà sản xuất sau khi cuộc thi đã kết thúc. Theo thạc sĩ Lê Anh Tú, các nhà sản xuất cần đầu tư vào “hậu cuộc thi”, hỗ trợ các tài năng phát triển hình ảnh, định hướng nghệ thuật thì mới mang lại giá trị lâu dài. Qua đó, danh tiếng của chương trình cũng được nâng tầm.

“Nếu có sự đồng hành của công ty trong việc quản lý, có chiến lược phát triển cụ thể cho tài năng đó, kết nối biểu diễn và truyền thông để tạo bệ phóng, những thí sinh đoạt danh hiệu mới có cơ hội phát triển thật sự. Ngược lại, nếu chỉ giành danh hiệu mà không có hệ sinh thái hỗ trợ, thì cơ hội phát triển của tài năng rất ít. Đó là lý do có nhiều quán quân gần như “mất hút” sau cuộc thi”, thạc sĩ Lê Anh Tú nhận định.

Không thể phủ nhận các chương trình thực tế tìm kiếm tài năng đang mang lại luồng gió mới cho ngành giải trí Việt. Nhưng để những chương trình này thực sự ghi dấu ấn lâu dài, các nhà sản xuất cần đầu tư nhiều hơn cho “phần ruột”, từ chất lượng thí sinh, format chương trình, đến chiến lược phát triển cho tài năng sau cuộc thi. Chỉ khi đó, những chương trình này mới thực sự là “điểm hẹn nghệ thuật” đáng nhớ trong lòng công chúng.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img