Sunday, May 18, 2025

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt

VTV.vn – Cất cánh tháng 5 lay động trái tim khán giả bằng những ký ức sâu sắc về Bác Hồ, những câu chuyện nghị lực phi thường và tình yêu văn hóa truyền thống mãnh liệt.

Tháng Năm, tháng của những ký ức thiêng liêng, tháng sinh nhật Bác Hồ kính yêu, đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho chương trình Cất cánh. Với chủ đề “Tháng Năm ở lại”, chương trình tháng 5 không chỉ đơn thuần gợi nhắc về một khoảng thời gian đặc biệt, mà còn là một hành trình sâu lắng, chạm đến những giá trị cốt lõi, những khát vọng vươn lên và những hoài niệm không thể phai mờ đã hun đúc nên bản sắc và tâm hồn Việt Nam. Ba vị diễn giả đã mang đến những câu chuyện đời, chuyện nghề đầy xúc động và ý nghĩa, làm sáng tỏ hơn bao giờ hết chủ đề nhân văn này. Khách mời bình luận tham gia chương trình tháng này là GS.TS. Phạm Hồng Tung – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 1.

Ký ức tháng gặp Bác Hồ, vững bước Trường Sơn của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

Mở đầu chương trình, khán giả đã được lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu. Ông là chính là cậu bé xuất hiện trong Bác Hồ chụp cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội với 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ tiêu biểu năm 1954. Đó cũng là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Bức ảnh ấy đã trở thành một báu vật tinh thần vô giá, theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 3.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu bồi hồi kể lại những cơ duyên được gặp Bác Hồ từ khi còn rất nhỏ. Quê hương ông ở làng Quỳnh Đôi, Nghệ An, một vùng đất khoa bảng nhưng nghèo khó. Cụ nội ông là bạn học của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1903, trên đường ra Hà Nội, cụ Sắc đã đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) qua Quỳnh Đôi, nghỉ lại nhà cụ ông ít ngày. Chính nhờ mối duyên kỳ lạ đó mà gia đình ông suốt bốn đời đều có người được gặp Bác. Ngôi nhà xưa giờ đã trở thành di tích lịch sử, minh chứng cho mối liên hệ đặc biệt giữa gia đình ông và vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Đó là một thắng lợi cực kỳ quan trọng vì xăng đường ống đã có mặt phía nam vĩ tuyến 17. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có mặt chứng kiến xăng đường ống ào ào chảy vào các bồn chứa. Đây là chiến thắng trong cuộc đấu trí và thi gan với không lực Hoa Kỳ. Tôi ước tính trên mỗi cây số của đoạn tuyến này, có hai chiến sỹ của các lực lượng liên quan đến đường ống hy sinh. Tuyến đường ống của chúng tôi có thể ví như một dòng sông mang lửa vì nó có thể bùng cháy mỗi khi trúng mảnh bom. Vậy mà nó đã vượt qua núi cao, vực sâu, vượt qua thời tiết khắc nghiệt của Trường sơn và sự đánh phá huỷ diệt kiên quyết ngăn chặn của địch cả trên không và mặt đất, để đưa xăng vào tận Nam Bộ. Đó là một kỳ tích

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

Những ký ức về những ngày kháng chiến gian khổ cũng được Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu chia sẻ đầy xúc động. Cha ông là Hồ Viết Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa 2. Ông may mắn được theo cha sống trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng trên chiến khu Việt Bắc. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể, Bác có sự quan tâm tận tình những đứa trẻ sống ở chiến khu. Ông kể về những buổi chiều thứ bảy, lũ trẻ trong cơ quan thường lên nhà sàn chơi với Bác. Bác yêu trẻ con lắm, đôi lần còn cho ông ngồi vào lòng, chỉ cho ông xem cảnh dòng suối uốn lượn, những nương ngô xanh mướt trong sương bảng lảng. Một kỷ niệm sâu sắc khác là vào ngày 19/5/1954, khi bọn trẻ cơ quan lên mừng sinh nhật Bác. Bác đã cho mỗi đứa một chút nước màu xanh cay cay ngọt ngọt. Vừa đưa, Bác vừa dặn các cháu về nhà nhớ nói với bố mẹ là Bác dặn đừng uống rượu. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nghẹn ngào kể lại câu chuyện hai bạn nhỏ trong nhà trẻ đánh nhau bị phạt úp mặt vào tường. Bác Hồ đã ân cần hỏi han cô bảo mẫu, rồi xin cô tha cho các cháu, giải thích và khuyên nhủ để hai bạn làm hòa. Câu chuyện giản dị ấy đã khắc sâu trong tâm trí ông về đạo đức và sự vĩ đại của Bác.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 5.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu được điều động vào quân đội làm đường ống xăng dầu trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Ông đã khắc ghi lời Bác, vượt qua bao gian khổ hy sinh, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Khi nghe tin Bác Hồ từ trần, ông đã vô cùng bàng hoàng và đau xót. Trong những ngày ác liệt trên tuyến lửa Trường Sơn, lời nhắn nhủ của một đồng chí chính trị viên tiểu đoàn đã giúp ông lấy lại niềm tin và quyết tâm sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội và vinh dự được sống gần Bác, được Bác dạy dỗ. Câu chuyện về đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn, một kỳ tích trong cuộc đấu trí và thi gan với không lực Hoa Kỳ, đã cho thấy tinh thần quả cảm và ý chí sắt đá của quân và dân ta.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Đông: Từ ước mơ khoa học đến nữ doanh nhân kiến tạo hạnh phúc

Tiếp nối dòng chảy cảm xúc, chương trình Cất cánh đã đưa khán giả đến với câu chuyện đầy nghị lực của bà Nguyễn Thị Đông, một nhà khoa học và một nữ doanh nhân. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Hưng Yên. Chứng kiến những khó khăn vất vả của người nông dân, bà ấp ủ ước mơ trở thành nhà khoa học để góp phần thay đổi cuộc sống của quê hương. Cơ duyên được theo bố mẹ đến sống ở khuôn viên Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc đã cho bà nhiều lần được gặp Bác Hồ. Những lời dạy bảo ân cần của Bác về việc học giỏi để xây dựng đất nước đã trở thành động lực lớn, thôi thúc bà trở thành một kỹ sư hóa học, cử nhân ngoại ngữ và chuyên gia nghiên cứu hóa phẩm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Nguyễn Thị Đông công tác tại Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tại đây, bà đã tích cực học hỏi và dành phần lớn thời gian nghiên cứu khoa học, quản lý nhiều công trình tiêu chuẩn hóa quan trọng. Bà đặc biệt say mê nghiên cứu dược điển của danh y Lê Hữu Trác, tích lũy được nhiều kiến thức quý báu về dược liệu và kinh nghiệm dân gian trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Trong thời gian công tác, bà đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài có giá trị ứng dụng cao, góp phần khắc phục những khó khăn thiếu thốn của đất nước trong giai đoạn đó.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 8.

Đến năm 2000, bà Nguyễn Thị Đông nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, với tâm niệm “người làm khoa học không có ngày nghỉ”, bà quyết định khởi nghiệp từ chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Quyết định thành lập doanh nghiệp riêng là một bước đi mạo hiểm, nhưng những tình cảm và lời dạy của Bác Hồ đã tiếp thêm sức mạnh cho bà. Bà tâm niệm, doanh nghiệp của mình phải hoạt động một cách khoa học và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Bà đã xây dựng vùng nguyên liệu từ cây dược liệu sẵn có trong nước, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa tạo thu nhập cho bà con nông dân. Sau hơn 20 năm thành lập, doanh nghiệp của bà đã phát triển vững chắc, và bản thân bà đã hai lần được vinh danh là nữ doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất châu Á – Thái Bình Dương. Câu chuyện của bà là minh chứng cho tinh thần không ngừng cống hiến và khát vọng kiến tạo hạnh phúc cho cộng đồng.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 9.

‘Tôi Chèo về quê hương’ – Gieo mầm tình yêu văn hóa truyền thống

“Tháng năm ở lại” không đơn thuần là lời nhắc về thời gian, mà là cách chúng ta lưu giữ những giá trị, những khát vọng và cả những hoài niệm đã góp phần hình thành nên bản sắc và tâm hồn Việt. Có những bạn trẻ nhiều năm qua đã miệt mài lưu giữ nhưng thanh âm truyền thống của cha ông, để những thanh âm ấy được vang lên trong trẻo và bền bỉ giữa cuộc sống hiện đại, để ta thêm yêu, thêm trân quý văn hóa ngàn đời. Đó là câu chuyện của Chị Đinh Thảo, một người trẻ đang nỗ lực bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chị đã kể về hành trình thành lập và phát triển dự án cộng đồng phi lợi nhuận “Chèo 48h Tôi Chèo về quê hương”. 

Xuất phát từ một buổi học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khi chị nhận thấy sự xa cách của giới trẻ với âm nhạc cổ truyền, chị đã nhen nhóm ý tưởng tạo ra một sân chơi để kết nối những người trẻ với văn hóa truyền thống. Cái tên “Chèo 48h” xuất phát từ những kỷ niệm ban đầu của dự án, nhưng ẩn chứa thông điệp sâu sắc: đưa nghệ thuật Chèo – một loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ – trở về với cội nguồn, ngược dòng thời gian để khám phá vẻ đẹp trong kho tàng văn hóa ngàn đời của cha ông. Dự án hoạt động theo mô hình lớp học trải nghiệm, thu hút đông đảo học viên ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, nhưng cùng chung một tình yêu dành cho những giai điệu quê hương.

Cất cánh tháng 5: Nơi ký ức tháng Năm ở lại và lan tỏa niềm tự hào Việt - Ảnh 12.

Đối với tôi, văn hóa truyền thống như một tấm căn cước, thể hiện rõ nét căn tính dân tộc. Văn hóa còn là một kho tài nguyên mà nếu biết cách, chúng ta sẽ tạo ra những tài sản quý báu. Bởi vậy tôi tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình với con đường làm văn hóa

Đinh Thảo

Chị Đinh Thảo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự tận tình giúp đỡ của các nghệ sĩ, những người thầy cô giáo đầu tiên đã đồng hành cùng dự án, truyền lửa đam mê và uốn nắn cho các học viên không chuyên. Chị tin rằng, người trẻ ngày nay đang ngày càng chủ động kết nối với những giá trị truyền thống đẹp đẽ của dân tộc. Từ Chèo, dự án đã phát triển thêm các lớp học Xẩm, Chầu Văn, tổ chức các gala biểu diễn, đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình về sân trường đại học, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Nhìn lại hành trình hơn 10 năm của Chèo 48h, chị Đinh Thảo đã đúc rút những từ khóa quan trọng đứa nghệ thuật truyền thống đến với cộng đồng, đó là “Biết – Quen – Thân – Thương”. Chị khẳng định văn hóa truyền thống như một tấm căn cước, thể hiện rõ nét căn tính dân tộc và là một kho tài nguyên quý báu. Hiện tại, chị đang là Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến quảng bá Di sản văn hoá Phi vật thể Việt Nam, tiếp tục con đường “làm văn hóa”, lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, những giá trị văn hoá đẹp đẽ từ ngàn đời chính là điểm neo vững chãi, là chốn để chúng ta trở về để tiếp thêm sức mạnh để cất cánh đến tương lai, vươn ra biển lớn”, diễn giả Đinh Thảo nói.

Cất cánh tháng 5 với chủ đề “Tháng năm ở lại” đã khơi gợi những ký ức thiêng liêng, tôn vinh những con người Việt Nam bình dị mà phi thường, những người đang âm thầm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Chương trình đã khép lại nhưng những câu chuyện và cảm xúc mà nó mang lại sẽ còn ở lại”mãi trong lòng người xem, tiếp thêm sức mạnh và niềm tự hào để mỗi người tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.

Cùng theo dõi câu chuyện của ba diễn giả Cất cánh tháng 4 qua video dưới đây:

Cất cánh tháng 4: Cảm hứng từ những con người sống cùng sự phát triển của đất nước Cất cánh tháng 4: Cảm hứng từ những con người sống cùng sự phát triển của đất nước

VTV.vn – Những diễn giả tham gia chương trình Cất cánh tháng 4 đã mang đến nhiều nguồn cảm hứng đến cho khán giả, đó là nỗ lực cống hiến vào sự phát triển của đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img