Tuesday, May 20, 2025

Du học các nước nói tiếng Anh có khó hơn khi chính sách thay đổi?

Chính quyền mới ở Úc, Canada từng nêu các chính sách cắt giảm mạnh số lượng du học sinh, trong khi Mỹ có nhiều biến động giữa các trường và chính quyền là lý do khiến các gia đình Việt lo lắng khi cho con du học thời điểm hiện tại.

LƯU Ý KHI DU HỌC M

Đầu tháng 5, Canada và Úc chính thức kết thúc cuộc tổng tuyển cử 2025 với chiến thắng thuộc về đảng Tự do ở Canada và Công đảng ở Úc. Theo tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam (trụ sở tại TP.HCM), thời gian qua 2 đảng này đã đưa ra nhiều chính sách nhằm cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế (SVQT), khiến không ít người lo lắng.

Du học các nước nói tiếng Anh có khó hơn khi chính sách thay đổi?

Phụ huynh, học sinh nghe đại diện trường ở Canada tư vấn vào năm 2024

ẢNH: NGỌC LONG

Trong đó, ông Thắng nhận định chính sách của Canada vẫn còn tạo một chút điều kiện cho du học sinh (DHS) tới học, còn Úc thì muốn siết chặt hơn nữa. Điều này thể hiện rõ qua cam kết tranh cử của đảng cầm quyền, khi tuyên bố có thể nâng mức phí visa (thị thực) du học thêm 25%, từ 1.600 AUD (26,7 triệu đồng) lên 2.000 AUD (33,3 triệu đồng).

Thực tế trên khiến Mỹ – dù đang tồn tại nhiều vấn đề như việc thu hồi visa du học hay “cuộc chiến” giữa chính quyền với một số ĐH tinh hoa – vẫn là điểm đến du học đầy cơ hội. Phân tích cụ thể, ông Thắng cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, các biến động về thu hồi visa du học ảnh hưởng lớn đến SV tới từ những nước có xung đột với Mỹ, trong khi người Việt hầu như không bị tác động.

Bên cạnh đó, thống kê của Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) cũng chỉ ra rằng, trong số hàng trăm DHS bị thu hồi visa, Ấn Độ đứng đầu với 309 trường hợp, xếp sau là Trung Quốc (308), Hàn Quốc (51), Ả Rập Xê Út (45)… và chưa ghi nhận trường hợp nào đến từ VN.

Nguyên nhân thứ hai là các trường “rất bảo vệ SV”. Chia sẻ từ Mỹ, ông Thắng cho biết các ĐH hiện vẫn rất chào đón DHS Việt và không tỏ ra bi quan trước các biến động gần đây. Cụ thể, các trường đều ra khuyến cáo, hướng dẫn chi tiết cho SVQT, thậm chí phản ứng lại với cơ quan di trú. Chính sách tuyển sinh của các ĐH Mỹ cũng đang giữ nguyên chứ không điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn.

“Việc xét duyệt visa tuy siết chặt hơn, nhưng như thế cũng giúp chọn lọc được SVQT chân chính, giúp môi trường du học Mỹ trong sáng hơn”, ông Thắng phân tích thêm.

Để du học Mỹ thành công trong thời điểm này, ông Thắng cho rằng có 2 điều cần đặc biệt chú trọng. Thứ nhất là năng lực tiếng Anh, thể hiện qua điểm thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, phải càng cao càng tốt để thuyết phục được bộ phận xét visa là mình thực sự muốn tới Mỹ để du học. Thứ hai, DHS Việt phải chú trọng vấn đề hòa nhập, về cả khía cạnh văn hóa, luật pháp lẫn tư tưởng.

DU HỌC ÚC, CANADA, ANH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Liên quan tới cơ hội du học Úc, bà Hương Nguyễn, Giám đốc tuyển sinh Viện Giáo dục ĐH Úc (AIH) tại VN, thông tin một đặc điểm của nước này là có những giai đoạn “đóng – mở” khác nhau với SVQT. Ở giai đoạn “đóng” như hiện tại, tổng số hồ sơ xin visa du học lĩnh vực giáo dục ĐH giảm đáng kể, từ 1.000 hồ sơ/tháng vào thời điểm hoàng kim, nay chỉ còn hơn 200 hồ sơ/tháng, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Úc.

Theo bà Hương, tin tích cực là tỷ lệ chấp nhận cấp visa du học ở lĩnh vực này rất cao. Trong năm 2025, tỷ lệ chấp nhận lần lượt là 86,64%, 84,55%, 94,25% trong các tháng 1, 2, 3. Thực tế trên cho thấy DHS vẫn rộng cửa đến các trường ĐH Úc, miễn là có sự chuẩn bị tốt về tiếng Anh, tài chính và tường trình “sinh viên chân chính” (GS).

Một điểm đáng chú ý khác, theo bà Hương Nguyễn, là thời gian xét duyệt visa du học Úc hiện đã nhanh hơn trước, “chỉ còn dưới một tháng, có trường hợp chỉ 1-2 tuần”, thay vì kéo dài từ vài tháng tới tận nửa năm như trước đây. Từ những tín hiệu tích cực này, khả năng cao nhu cầu du học Úc sẽ không quá sụt giảm nếu chính quyền mới quyết định tăng phí visa du học như cam kết tranh cử, bà Hương phân tích.

Nếu còn e ngại, DHS có thể chọn học các chương trình liên kết đào tạo giữa trường Úc với trường Việt để tiết kiệm chi phí, cải thiện khả năng tiếng Anh và tìm hiểu rõ hơn về ngành học.

Còn với Canada, thạc sĩ Bùi Thị Thúy Ngọc, đại diện tuyển sinh Confederation College (Canada) ở VN, cho rằng thị trường này đang đối diện nhiều thử thách, nhất là từ khi chính phủ Canada đột ngột ngừng hẳn chương trình du học diện miễn chứng minh tài chính (SDS) hồi cuối năm ngoái. Việc phải chứng minh tài chính trở lại, vốn cần thời gian dài chuẩn bị, khiến nhiều gia đình hoang mang và phải đổi lựa chọn, theo bà Ngọc.

“Số lượng người học quan tâm đến Canada giảm rõ rệt”, bà Ngọc chia sẻ, song nói thêm thị trường đang trong đà phục hồi trở lại, nhất là khi quá trình cấp thư mời nhập học lẫn xét duyệt visa đang được tăng tốc hơn trước.

“Canada luôn cần DHS và đây là thực tế có khả năng không thay đổi trong 10 năm tới. Hiện số lượng DHS đang chiếm khoảng 1/3 tổng số SV theo học các chương trình CĐ, ĐH, sau ĐH tại Canada. Một điều đáng quan tâm khác là chính sách giới hạn tuyển sinh gần như chỉ áp dụng cho các thành phố lớn, trung tâm, và đặc biệt là các trường CĐ, ĐH tư thục”, thạc sĩ Ngọc trấn an.

Một tin tích cực khác là Canada đã ra mắt một số lộ trình định cư mới và việc chính phủ cũ được bầu trở lại giúp những lộ trình này được duy trì ổn định. Trong đó, chương trình thí điểm nhập cư cộng đồng nông thôn (RCIP) không yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc nếu từng học chương trình kéo dài ít nhất 2 năm; còn chương trình phát triển kinh tế khu vực thông qua nhập cư (REDI) đang mở thí điểm tới cuối năm 2025.

Du học các nước nói tiếng Anh có khó hơn khi chính sách thay đổi?

Du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Ảnh: L.B.T

Trong khi đó, chính phủ Anh vừa công bố sách trắng nhập cư hôm 12.5, đưa ra nhiều yêu cầu thắt chặt với các diện nhập cư. Một điểm đáng chú ý trong tài liệu này là rút ngắn thời gian cho phép DHS ở lại sau tốt nghiệp mà không cần bảo lãnh, xuống 18 tháng thay vì 2-3 năm như trước đây theo diện visa làm việc sau tốt nghiệp (Graduate route). Quyết định này đang chờ Quốc hội Anh thông qua.

Tuy nhiên DHS Việt không nên quá lo lắng, theo ông Huỳnh Anh Khoa, Giám đốc Công ty du học Vietnamese Connect (VNC) có trụ sở tại TP.HCM. Bởi cho dù chính phủ Anh có hủy diện visa này thì nhu cầu của thị trường lao động Anh vẫn cao hơn trước đây, kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu. SV mới tốt nghiệp đã có thể nộp đơn xin visa lao động tay nghề cao (Skilled Worker) để được ở lại Anh, ông Khoa cho biết.

“Ngoài ra, các bạn có thể chọn khóa học có “sandwich year” với bậc ĐH hay “placement year” với bậc thạc sĩ để đi thực tập từ sớm ngay lúc còn học để gia tăng cơ hội làm việc sau tốt nghiệp”, ông Khoa lưu ý.

Ông Khoa nói thêm, trong số các nước nói tiếng Anh, Anh là quốc gia đầu tiên có những biến động về chính sách, sau đó tới Úc, Canada và Mỹ. Do đó đến hiện tại, đây cũng là quốc gia đang có chính sách xét visa bắt đầu ổn định lại và rõ ràng nhất, với “tỷ lệ đương đơn bị xác minh tài chính, phỏng vấn và xét sai không nhiều như trước đây, và thời gian xét visa cũng không bị kéo dài như trước”.

“Quan trọng nhất, các bạn phải thể hiện bản thân mình là DHS chân chính qua việc trình bày năng lực học thuật, mục đích, định hướng, chứng minh tài chính… rõ ràng để trường ĐH và công ty du học tự xét duyệt trước, sau đó mới tới bộ phận xét cấp visa từ Bộ Nội vụ Anh”, ông Khoa lưu ý.

Trong bối cảnh biến động, quốc đảo New Zealand vẫn duy trì các chính sách tăng cường thu hút người học từ VN. Gần đây nhất, nước này cho phép DHS được học khóa thạc sĩ ngắn hơn nhưng không lo bị mất cơ hội ở lại làm việc, đồng thời mở rộng điều kiện cấp visa lao động cho vợ hoặc chồng của một số DHS. Năm nay, New Zealand cũng lần đầu triển khai học bổng chính phủ bậc cử nhân (NZUA) cho người Việt.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img