Vào mùa thu hoạch lúa đông xuân 2024 – 2025, do rơm rạ sau thu hoạch bán không được, nhiều nông dân ở Bình Định đã đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường.

Đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường
ẢNH: MINH LÊ
Vì vậy cứ vào chiều tối hằng ngày, bà con đua nhau đốt rơm rạ khiến khói bay mù mịt, hạn chế tầm nhìn trên tỉnh lộ 640 và các tuyến đường liên xã, người điều khiển xe máy phải bật đèn và hít phải khói rơm rạ rất khó thở. Hơn nữa, việc đốt rơm rạ làm phân bón lợi đâu chưa thấy nhưng sẽ làm đất chai sạn, các vi sinh vật có lợi cho đất bị hủy diệt, ảnh hưởng đến môi trường và mùa màng.
Theo ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Thắng (H.Tuy Phước), trong số hơn 970 ha ruộng vụ đông xuân vừa thu hoạch xong, chỉ rất ít diện tích gần đường giao thông dễ vận chuyển mới có người đến mua rơm, còn lại chất đống. Với lượng rơm tồn quá lớn, sợ trời mưa xuống sẽ dọn không nổi để làm đất sạ tiếp vụ thu, nên bà con đã đốt bỏ.
Rơm rạ dù là phế phẩm nông nghiệp nhưng vẫn có thể tận dụng làm thức ăn cho trâu bò, phủ bề mặt chống xói mòn đất, giữ độ ẩm cho rau màu, làm phân bón hữu cơ, trồng nấm. Tuy vậy, đa phần nông dân do chưa am hiểu các kỹ thuật xử lý rơm rạ để dùng trong đời sống, sản xuất nên buộc phải đốt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
Rất mong ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hạn chế việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.
Nguồn: thanhnien.vn