Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok shop, Facebook, Shopee live… hình ảnh những người trẻ livestream bán hàng không còn xa lạ. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị dân mạng phản ứng vì thiếu hiểu biết pháp luật, “vạ miệng” do quảng bá sản phẩm sai lệch…
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa dối khách hàng. Để rồi dân mạng để lại nhiều bình luận trên mạng xã hội, rằng: “Cái giá phải trả rất đắt cho việc quảng cáo thổi phồng”, “Không phải quảng cáo bán hàng là muốn nói gì cũng được”, “Đã đến lúc tẩy chay với quảng cáo sai sự thật”… Dân mạng cũng “điểm mặt gọi tên” một số nhân vật khác đã và đang quảng cáo “lố” công dụng các sản phẩm khác…
Nguyễn Quang Viễn (27 tuổi), ngụ ở tỉnh Bình Dương, cho biết nhờ sở hữu một kênh TikTok với gần 500.000 lượt theo dõi nên có nhận được nhiều đề nghị của các doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm. “Tuy nhiên sau những câu chuyện thời sự về việc “thổi phồng” công dụng các sản phẩm, nhiều người quảng cáo sai sự thật dẫn đến vi phạm pháp luật, tôi khá lo lắng”, Viễn nói.
Còn Lê Thị Mỹ Hằng (25 tuổi), làm việc ở 56 Yên Thế (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết đã kinh doanh online bằng những buổi livestream bán mỹ phẩm. “Để bán được hàng, tôi bắt chước những người khác, cũng cầm sản phẩm lên sử dụng và nói “xài cái này là hết mụn liền”. Tôi cũng thuyết phục khách hàng bằng cách nói “ngăn ngừa mụn tuyệt đối”… Nhưng tôi đã nhận được cảnh báo từ một số người, ý thức được rằng việc phát ngôn như vậy là nói quá sự thật”, Hằng kể.
Không ít trường hợp đang nhận quảng cáo các loại sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng cũng cho biết “thấy lo lo” vì thói quen nói: “An toàn tuyệt đối”, “Sản phẩm tốt nhất hiện nay trên thị trường”… khi nói về sản phẩm.

Trong các phiên livestream bán kẹo rau củ Kera, hoa hậu Thùy Tiên đã có nhiều phát ngôn “có cánh” để quảng cáo cho loại kẹo này
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Để tránh nguy cơ vi phạm pháp luật khi livestream bán hàng
Theo chuyên gia lĩnh vực marketing Nguyễn Thanh Bảo Long (34 tuổi), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ truyền thông World (H.Nhà Bè, TP.HCM), nhiều người trẻ livestream bán hàng thường có tâm lý phát ngôn một cách vô tư, quảng bá sản phẩm quá đà… để bán được hàng. Thế nhưng thực tế mọi nội dung quảng cáo, kinh doanh online đều nằm trong quy định của pháp luật.
Theo anh Long, để không vi phạm pháp luật, khi livestream giới thiệu hoặc bán sản phẩm, cần phải thông tin nội dung quảng cáo không sai sự thật. Nghĩa là thông tin sản phẩm phải trung thực, chính xác về công dụng, xuất xứ, thành phần, giá cả…
“Không sử dụng các cụm từ dễ gây hiểu lầm như: “chữa khỏi bệnh”, “hiệu quả 100%”, “độc quyền”… nếu không có chứng cứ hoặc giấy tờ chứng minh. Ngoài ra, không được bôi nhọ, so sánh sai lệch. Không so sánh sản phẩm của mình với thương hiệu khác để hạ uy tín đối thủ”, anh Long chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh), để tránh những hệ lụy, có nguy cơ vi phạm pháp luật, thì người trẻ kinh doanh online, livestream bán hàng cần đọc, hiểu và tuân thủ các luật như: luật Quảng cáo, luật An toàn thực phẩm, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật Giao dịch điện tử, Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại…
“Cần có trách nhiệm với pháp luật, với cộng đồng, với chính khách hàng của mình. Để livestream bán hàng an toàn, chỉ cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Không được bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Phải có hóa đơn, giấy tờ hợp lệ: Đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, thiết bị y tế… phải có giấy phép từ cơ quan chức năng. Nếu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không được nói là “thuốc” hay “chữa bệnh”, luật sư Long khuyến cáo.
Cũng theo vị luật sư này: “Không được quảng cáo sai sự thật, không cam kết công dụng như thuốc, đặc trị, đặc hiệu nếu sản phẩm không được phép. Cũng phải tuân thủ quy định nền tảng như TikTok, Shopee, Facebook… mỗi nền tảng đều có bộ quy tắc riêng cho người bán. Ngoài ra, cần đăng ký kinh doanh nếu livestream thường xuyên và có thu nhập. Nếu livestream dưới tư cách cá nhân bán hàng thường xuyên, cần đăng ký kinh doanh theo quy định. Nếu là doanh nghiệp hoặc nhãn hàng, phải công khai thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ…”.

Vì nội dung quảng bá sai lệch, được lặp đi lặp lại và phát tán rộng rãi, cả 3 nhân vật trong ảnh (từ trái qua): Quang Linh Vlogs, Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng “du mục” đã bị khởi tố, bắt tạm giam
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Bà Trần Thị Thu Hiền (37 tuổi), Giám đốc Công ty Skill Media (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nói: “Livestream bán hàng là cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” nếu thiếu hiểu biết pháp luật. Bán hàng online không đồng nghĩa với “miễn trách nhiệm”. Chỉ khi hiểu luật, tôn trọng khách hàng và trung thực trong nội dung, người livestream mới thật sự bền vững trên hành trình kinh doanh số”.
Bà Hiền lưu ý một số điều mà người trẻ livestream bán hàng cần tuân thủ. Có thể kể như: không phát ngôn hoặc hiển thị nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, phân biệt giới tính… Không sử dụng nhạc, video, hình ảnh có bản quyền nếu không có sự cho phép. Khi livestream, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, nội dung giới thiệu sản phẩm, tránh ngôn ngữ giật gân, tục tĩu, không trêu đùa phản cảm để câu view…
Nguồn: thanhnien.vn