Cùng với núi Thiên Ấn, núi Thiên Bút, dòng Trà Khúc là biểu tượng thiêng liêng trong tâm khảm người Quảng Ngãi. Tạo hóa khéo vẽ dòng Trà Khúc dài 135 km, từ đại ngàn Kon Tum xuôi về đồng bằng, lặng lẽ chảy vào ký ức biết bao người.
Quảng Ngãi có 4 con sông lớn thì 3 dòng mang tên “Trà”: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu và sông Vệ. Trong số đó, Trà Khúc được xem là dòng sông mẹ, dòng sông khiến người đi xa luôn bồi hồi nhớ về, người ở lại thì đau đáu chờ mong. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, dòng sông mềm mại như dải lụa xanh vắt từ đại ngàn đến tận biển ấy lại gắn liền với một chuyện tình buồn, bi thương nhưng thủy chung như chính tấm lòng người xứ Quảng.

Sông Trà Khúc chảy qua TP.Quảng Ngãi ẢNH: PHẠM ANH
Theo sách Quảng Ngãi – Giai thoại và truyền thuyết, tập 2 (NXB Quảng Ngãi, 1994), xưa kia có một cô gái thùy mị, xinh đẹp yêu một chàng trai nghèo. Nhưng vì những hủ tục ngang trái, họ không thể đến với nhau. Trong một đêm mưa bão, đôi trai gái hẹn nhau ra bến nước, ôm nhau khóc và thề nguyện kiếp sau sẽ đoàn tụ. Rồi cả hai cùng gieo mình xuống dòng nước bạc.
Một đoàn tiên nữ từng say mê cảnh đẹp cõi trần đã bay xuống cứu được cô gái và đưa nàng về trời. Còn chàng trai được Đông Hải Long Vương cứu, đưa về thủy cung làm con nuôi. Năm tháng trôi qua, cô gái được Ngọc Hoàng cho phép cùng các tiên nữ trở lại trần gian thưởng ngoạn. Trái tim nàng vẫn nặng tình với mối duyên dang dở, nàng mang theo một dải lụa xanh thẳm để tặng người xưa.
Nhưng chàng trai không có mặt. Khi thời gian sắp hết, các tiên nữ vội bay về trời. Cô gái thả lại dải khăn xanh nơi dòng nước hai người từng trầm mình, hy vọng chàng trai khi biết được sẽ nắm lấy để nàng đưa về trời.
Dưới thủy cung, khi hay tin, chàng liều mình trộm phép vua Thủy Tề, dâng nước lên đỉnh Trường Sơn mang khăn trở lại. Nhưng trời nổi giận, mưa gió cuồn cuộn, dải lụa xanh bị cuốn trôi và hóa thành dòng nước. Khi mây tan trời tạnh, dải khăn xưa đã hóa thành dòng sông mềm mại chảy từ núi đến biển. Đó chính là sông Trà Khúc, dòng sông mang theo một chuyện tình thủy chung, khiến người xứ Quảng dù đi đâu cũng nhớ, cũng thương.
DÒNG SÔNG CỦA THƠ CA
Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, dài khoảng 135 km. Dòng sông bắt nguồn từ đỉnh Đắk Tơ Rôn cao 2.350 m, thuộc đại ngàn Kon Tum. Khoảng một phần ba chiều dài dòng sông len lỏi qua núi đồi, rừng già cao từ 200 – 1.000 m, sau đó đổ về đồng bằng. Trên hành trình về xuôi, Trà Khúc đón nhận nước từ nhiều sông nhánh như Re, Xà Lò, Rin và Toong, trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, xã An Phú, TP.Quảng Ngãi.

Thiên Ấn niêm hà ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH
Nhiều nghiên cứu cho rằng chữ “Trà” là một trong 4 họ lớn của người Chăm cổ: Ôn, Ma, Trà, Chế. Còn “Khúc” thể hiện đặc điểm dòng sông uốn lượn, phân nhánh, thác ghềnh trước khi về biển.
Sông Trà Khúc không chỉ hùng vĩ mà còn hào phóng, ban tặng nhiều sản vật đặc trưng như cá bống, cá thài bai, don, hến, lươn, lịch… Mùa mưa bão, dòng sông chảy xiết cuốn phăng tất cả, nhưng cũng mang phù sa bồi đắp cho ruộng vườn đôi bờ. Mùa nắng, dòng sông xanh trong lững lờ, đặc biệt “mùa tháng chạp, nước sông Trà xanh lắm”, như lời bài hát Quảng Ngãi ta về của nhạc sĩ Từ Tấn Lực. Khi ấy, giữa lòng sông những bãi bồi đua nhau trổ hoa lau tím, lau trắng cùng trăm loài hoa dại, dòng Trà như cô gái xuân thì thướt tha giữa trời đất bao la.
Sông Trà Khúc còn gắn liền với nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Cổ Lũy cô thôn, Hà Nhai vãn độ, chiếm 4/12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi xưa. Từ cổ chí kim, Trà Khúc luôn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa. Hiếm có dòng sông miền Trung nào mang nhiều huyền thoại và đi vào văn chương như Trà Khúc. Các nhiếp ảnh gia cũng khẳng định: chụp sông Trà Khúc góc nào cũng đẹp, thời khắc nào cũng có hồn, kể cả trong mùa lũ, Trà Khúc vẫn mang vẻ đẹp riêng.
Phải chăng vì thế mà người đi xa vẫn luôn mong ngày trở lại: “Về lại sông Trà, về với quê ta…” (Về lại sông Trà, nhạc sĩ Vĩnh An). Dòng sông không chỉ sống trong văn học nghệ thuật, mà còn trong tâm thức dân gian: “Sông Trà sát núi Long Đầu/Nước kia chảy mãi, rồng chầu ngày xưa”. Hay: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”…
DÒNG SÔNG CỦA SỰ SỐNG
Sông Trà Khúc cũng là dòng sông của mưu sinh. Từ xa xưa, đôi bờ sông từng được dựng lên hàng trăm guồng xe nước tưới mát ruộng mía, đồng lúa. Ngày nay, công trình thủy lợi Thạch Nham đã được xây dựng để dẫn nước sông về tưới cho hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp khô hạn, giúp Quảng Ngãi ổn định an sinh suốt hàng chục năm qua.

Bình minh trên dòng sông Trà Khúc ẢNH: TẤN PHÁT
Tuy nhiên, do đập Thạch Nham chặn dòng, vùng hạ lưu Trà Khúc không còn đầy nước quanh năm, khiến con sông đánh mất dáng vẻ trù phú vốn có. Để khắc phục, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai xây dựng đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc với kinh phí hàng ngàn tỉ đồng. Ông Đặng Ngọc Huy, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Khi đó, Trà Khúc sẽ đầy nước trở lại, xanh dòng trở lại và sẽ một lần nữa trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca và người dân quê nhà.
Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh sinh ra và lớn lên bên dòng Trà Khúc. Mạch nguồn mát lành của dòng sông mẹ đã nuôi dưỡng ông cả đời học tập và nghiên cứu. Ông gửi gắm tình cảm của mình qua mấy câu thơ dung dị mà sâu lắng: “Trăm dòng sông của mọi miền/Sông Trà vẫn một sắc riêng bên lòng/À ơi… một bến sông trong/Ru con, ru cả nỗi lòng của cha”. (còn tiếp)
Nguồn: thanhnien.vn