Wednesday, May 21, 2025

Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản, nhưng tăng trưởng vẫn khó khăn

VTV.vn – Ngày 20/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm từ 3,1% xuống 3% và lãi suất 5 năm từ 3,6% xuống 3,5%.

Ngày 20/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm từ 3,1% xuống 3% và lãi suất 5 năm từ 3,6% xuống 3,5%. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hạ lãi suất kể từ tháng 10/2024. Đồng thời, hàng loạt ngân hàng thương mại quốc doanh cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi giảm tới 25 điểm cơ bản, nhằm bảo vệ biên lợi nhuận và tạo dư địa cho giảm thêm lãi suất cho vay.

Giới quan sát cho rằng, sự ổn định gần đây của đồng NDT cùng với việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm hoãn thuế quan trong 90 ngày, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo hiệu quả từ những đợt cắt giảm lãi suất hiện nay có thể sẽ còn khá hạn chế.

Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản, nhưng tăng trưởng vẫn khó khăn - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn phải giữ thế cân bằng giữa ổn định nội tệ và duy trì cạnh tranh xuất khẩu

Bà Dan Wang – Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Eurasia Group cho biết: “Tôi không cho rằng đây là khởi đầu của một chu kỳ tín dụng mới. Bởi vì về lịch sử, chu kỳ tín dụng thực sự thường gắn với một đợt bùng nổ bất động sản. Hiện tại, các biện pháp nới lỏng tiền tệ chỉ mang tính chọn lọc, nhằm vào một số ngành và người vay nhất định. Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc vẫn không thể vay từ các ngân hàng thương mại – nguồn tín dụng chính – bởi họ thiếu tài sản đảm bảo. Giá trị nhà đất đi xuống khiến họ không thể dùng nhà làm tài sản thế chấp nữa. Trong khi đó, các ngành công nghệ mới, chuỗi cung ứng năng lượng sạch, vật liệu mới, thiết bị tiên tiến… đang làm ăn rất tốt và được tiếp cận vốn giá rẻ. Nhưng những ngành này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn nền kinh tế”.

Chiến lược hiện tại của Trung Quốc là hướng tới dài hạn vì ổn định tài chính là yếu tố then chốt. Chính phủ không tìm cách tạo bong bóng, mà chỉ muốn giữ rủi ro trong tầm kiểm soát.

Một yếu tố khác khiến chính sách tiền tệ bị ràng buộc là tỷ giá. Mặc dù đồng NDT đã phục hồi nhẹ, Trung Quốc vẫn phải giữ thế cân bằng giữa ổn định nội tệ và duy trì cạnh tranh xuất khẩu.

Bà Dan Wang – Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Eurasia Group nhận định: “Trung Quốc vẫn duy trì neo tỷ giá không chính thức với USD. Nếu đồng NDT tăng quá nhanh, sẽ gây áp lực lớn lên các nước láng giềng vốn phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc. Ngược lại, nếu NDT giảm quá mạnh, Trung Quốc sẽ bị các đối tác cáo buộc bán phá giá. Đây là thế khó của PBoC”.

Trong bối cảnh lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc giảm ba tháng liên tiếp, còn giá bán buôn sụt mạnh nhất trong nửa năm qua, giới phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách một cách thận trọng. Capital Economics dự báo, PBoC có thể cắt thêm 40 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, nhiều định chế như Morgan Stanley hay Nomura đều cảnh báo, với thị trường bất động sản suy yếu kéo dài và nguy cơ Mỹ quay lại nâng thuế, chính sách tiền tệ – nếu không đi kèm hỗ trợ tài khóa quyết liệt – sẽ khó tạo ra bước ngoặt cho tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img