Thursday, May 22, 2025

Doanh nghiệp cần chủ động, định vị lại thị trường để “vượt gió ngược”

Để ứng phó với những diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp phải chủ động để tăng sức cạnh tranh, định vị lại thị trường để “vượt gió ngược”.

Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp về giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu. Trong đó, lấy Nghị quyết 68-NQ/TW làm động lực để cải thiện thể chế.

Doanh nghiệp cần chủ động, định vị lại thị trường để “vượt gió ngược”

Tác động do chiến tranh thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Định vị lại thị trường

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá nói riêng đang bị tác động rất lớn là chính sách thuế quan và bảo hộ của các nước, đặc biệt sau khi Mỹ áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và mặc dù sau đó Mỹ đã công bố tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày (hạn cuối ngày 9/7). Tuy nhiên, 90 ngày sẽ là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Nhận định về sức khoẻ của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ TP HCM, cho rằng sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.

“Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn để mua những sản phẩm xanh, tốt cho sức khỏe, nhưng các bộ tiêu chuẩn của chúng ta chưa thực sự hoàn chỉnh. Theo số liệu thống kê, có tới 74% khách hàng cho biết sẵn sàng trả giá cao hơn tới 20% để mua các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Chuyển đổi số, AI được nhắc rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp nội địa vẫn còn loay hoay. Chúng ta không thể đạt được tăng trưởng nếu không chịu đổi mới sáng tạo. Các nhà bán lẻ cũng chưa có những mô hình phục vụ riêng cho người Việt, hiểu người Việt. Và câu chuyện đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu rất nhiều và cận được cải thiện sớm”, ông Đức nêu.

Doanh nghiệp cần chủ động, định vị lại thị trường để “vượt gió ngược”

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM: ngay trong lúc này, các doanh nghiệp Việt cần phải chủ động để tái định vị về thị trường xuất khẩu nhằm tìm kiếm các thị trường mới.

Nêu các giải pháp về việc chủ động để tăng cường năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho biết vấn đề đang tác động rất lớn là chính sách thuế quan và bảo hộ của các nước. Bởi, trên thực tế, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ có tư tưởng khi tìm được một thị trường như Mỹ để xuất hàng là đủ nên chưa có tư duy phải tìm thêm các thị trường khác. Do đó, ngay trong lúc này, các doanh nghiệp Việt cần phải chủ động để tái định vị về thị trường xuất khẩu nhằm tìm kiếm các thị trường mới. Đồng thời, xây dựng lợi thế cạnh tranh, trong đó, tập trung sản xuất những sản phẩm khác biệt để tạo sức cạnh tranh trên thì trường. Bởi, trong mỗi chai nước mắm hay bịch gạo cũng đều chứa đựng những câu chuyện riêng.

Cũng theo bà Chi, một vấn đề rất quan trọng đó là: các doanh nghiệp cần phải hướng tới các giải pháp xanh, số hoá vì đó là năng lực, sự sống còn của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần trú trọng áp dụng tiết kiệm năng lượng, truy xuất nguồn gốc.

“Khi kết nối hệ sinh thái, một doanh nghiệp nhỏ nhận được đơn hàng lớn thì phải kết nối, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp khác để cùng nhau sản xuất sẽ phát huy tính hiệu quả cao hơn và chất lượng hơn”, bà Chi nhấn mạnh.

Để “vượt con gió ngược”

Nêu các giải pháp ứng phó với những diễn biến phức tạp trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu, ông Võ Quang Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Thuận Lợi, cho rằng tác động do chiến tranh thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, về các giải pháp tình thế cũng như chiến lược lâu dài thì các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường hay những thị trường truyền thống mà các doanh nghiệp đang duy trì như hiện nay để hạn chế rủi ro.

Doanh nghiệp cần chủ động, định vị lại thị trường để “vượt gió ngược”

Tạo ra sân chơi thông thoáng, minh bạch và linh hoạt, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.

Cũng theo ông Thuận, với lợi thế của Việt Nam về các mặt hàng nông sản, thuỷ sản thì ngoài thị Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường khác như Úc; lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Canada, Mỹ… các doanh nghiệp Việt cũng cần tìm kiếm cơ hội tại thị trường châu Phi và Trung Đông để tận dụng các hiệp định thương mại tự do để hưởng ưu đãi thuế là điều rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp Việt “vượt con gió ngược”, thì không thể thiếu bóng dáng của những nhà hoạch định chính sách. Trong đó, lấy Nghị quyết 68-NQ/TW làm động lực để cải thiện thể chế. Đặc biệt, trong lộ trình này cần nêu cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc kiến tạo để tạo ra một sân chơi thông thoáng, minh bạch và linh hoạt, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, giao thương và vươn ra biển lớn là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

“Việc xây dựng cơ chế giao thương linh hoạt với các giải pháp logistics hiện đại, minh bạch về xuất xứ, cải cách thủ tục hành chính và xuất nhập khẩu (giảm 30%) và tiếp tục giảm nữa vào những năm tiếp theo đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối để giảm chi phí logistics, hướng đến chuẩn quốc tế. Trong đó, nghiên cứu vấn đề tăng tải trọng xe đầu kéo theo hướng chuẩn quốc tế (lên 90 tấn), thay vì 45 tấn như hiện nay để cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam; cắt giảm các trạm BOT hiện hữu đang bủa vây doanh nghiệp (đơn cử, từ Bình Phước tới Cảng Cát Lái, TP HCM hiện quuãng đường dài 100km nhưng có tới 6 trạm thu phí BOT). Ngoài ra, chính sách tiếp cận đất đai, hạ tầng số cần đẩy nhanh hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp”, ông Thuận nhấn mạnh.

Theo ông Thuận, có thể nói, Nghị quyết 68 -NQ/TW lần này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước về vai trò kinh tế tư nhân. Đặc biệt, đây là nội dung được Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần tại các hội nghị Trung ương cũng như các diễn đàn. Đây chính là động lực và được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, đánh giá cao, kỳ vọng lớn về sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Việt Nam trên trường quốc tế, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img