Thursday, May 22, 2025

Những tuyệt tác thiên nhiên: Núi Răng Cưa – đỉnh thiêng của người Kor

Miền tây H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) có một dãy núi kỳ dị, như thể ai đó cắt đôi chiếc bánh mì rồi xếp thành từng đoạn, nhô lên giữa đại ngàn xanh biếc. Đó chính là núi Răng Cưa huyền thoại, thuộc xã Trà Hiệp (H.Trà Bồng).

NÀNG CÔNG CHÚA HIẾU THẮNG CỦA THẦN MẶT TRỜI

“Trà Bồng có núi Răng Cưa/Có sông Cà Đú, có cầu suối Nang”. Về Trà Bồng nghe câu ca dao này mới thấy núi Răng Cưa đã in sâu trong đời sống tinh thần của người Kor nơi đây.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Núi Răng Cưa - đỉnh thiêng của người Kor

Dãy núi Răng Cưa ở xã Trà Hiệp, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) ẢNH: PHẠM ANH

Nếu dãy Cà Đam ở hướng tây nam được xem là “chúa” của các ngọn núi phía tây Trà Bồng, thì ở phía tây bắc, dãy Răng Cưa là biểu tượng gắn bó sâu sắc với người Kor nơi đây. Vào những ngày trời trong, từ đồng bằng H.Bình Sơn hay TP.Quảng Ngãi, có thể nhìn thấy dãy núi hiện ra như những ngón tay chỉ lên trời trong đám mây trắng bồng bềnh như chốn bồng lai.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Núi Răng Cưa - đỉnh thiêng của người Kor

Dãy núi Răng Cưa ở xã Trà Hiệp, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) ẢNH: PHẠM ANH

Người Kor kể về dãy núi ấy bằng một huyền thoại. Thần Mặt Trời, theo tiếng Kor là thần Mặt Ngây, có một người con gái duy nhất, được cha hết mực chiều chuộng. Nàng đẹp lộng lẫy, khiến các vị thần say mê. Nhưng khác với vẻ ngoài yêu kiều, công chúa lại thích phiêu lưu, gan dạ, giỏi kiếm cung, ngày ngày cưỡi ngựa đi săn giữa núi rừng.

Mỗi lần hạ được voi rừng, hươu nai hay những loài chim quý hiếm, nàng đều mang về dâng cha. Thần Mặt Ngây tự hào nhưng cũng đầy lòng trắc ẩn, bèn ra lệnh cho thần Số Mệnh hồi sinh tất cả muông thú ấy. Khi được thả về rừng, chúng chạy rào rào dưới tán lá khiến công chúa nổi trận lôi đình. Nhưng sợ cha trách phạt, nàng không dám đuổi theo mà lệnh cho thần Sấm, thần Mưa giúp mình.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Núi Răng Cưa - đỉnh thiêng của người Kor

Đỉnh núi Răng Cưa chìm trong sương mây ẢNH: T.HUỲNH

Hai vị thần vì muốn làm vừa lòng công chúa đã ra sức hô phong hoán vũ, khiến trời đất rung chuyển suốt ba ngày ba đêm. Núi rừng ngập chìm trong biển nước, chỉ vài đỉnh núi cao còn trồi lên, trong đó có một ngọn núi chưa có tên. Công chúa cưỡi thuyền đi săn lùng những con thú trốn thoát và được mách rằng chúng đều trú ẩn trong ngọn núi lạ ấy. Nàng tức tốc đến nơi, truyền lệnh cho thần Núi mở cửa. Dù biết nàng là con của thần Mặt Ngây, thần Núi vẫn không tuân lệnh, chỉ nói: “Phải gọi đúng tên núi thì cửa mới mở”. Nhưng núi chưa có tên, biết gọi thế nào?

Công chúa bèn về cầu cứu cha. Thần Mặt Ngây thân chinh đưa nàng đến nơi, lặp lại yêu cầu mở cửa núi. Thần Núi vẫn kiên quyết: “Phải gọi đúng tên”. Giận dữ, thần Mặt Ngây ra lệnh cho quân lính chèo thuyền sắt đâm vào ngọn núi, để lại ba vết lõm sâu như răng cưa. Từ đó, dù thần không ban tên, người đời vẫn gọi đó là núi Răng Cưa, sừng sững kiêu hãnh đến tận bây giờ.

NGỌN NÚI DẪN ĐƯỜNG

Đứng từ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học – THCS xã Trà Hiệp nhìn về hướng tây bắc, có thể thấy dãy Răng Cưa hùng vĩ hiện ra giữa mây trời. Mùa mưa, núi chìm trong sương mù bảng lảng. Đến trưa đông, khi những tia nắng hiếm hoi xuyên qua mây, núi hiện ra xanh thẳm, phủ lớp khăn voan mờ ảo. Mùa khô, từ xa nhìn thấy dãy núi như năm ngón tay chạm vào trời xanh, đùa nghịch mây trắng, lúc tĩnh lặng, lúc nhấp nhô như chốn thần tiên.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Núi Răng Cưa - đỉnh thiêng của người Kor

Dãy Răng Cưa mờ ảo nhìn từ xa ẢNH: PHẠM ANH

Dù chỉ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển nhưng núi Răng Cưa sừng sững giữa đại ngàn, ngăn cách H.Trà Bồng với H.Bắc Trà My (Quảng Nam). Đặc biệt, từ trung tâm huyện lỵ Trà Bồng, men theo “đường nước” đi về phía tây đến xã Trà Hiệp, lúc nào ngẩng lên cũng thấy núi Răng Cưa ở phía trước.

“Đường nước” là cách người Kor gọi con đường theo sông Trà Bồng, nơi cư dân sống rải rác dọc theo dòng chảy. Về phía tây, đường chia làm hai ngả: đường rừng và đường nước. Đường rừng men theo các xã Trà Lâm, Trà Lãnh lên đến Trà Phong, Trà Xinh, Trà Trung, xuyên qua rừng rậm và thác ghềnh, luôn có ngọn Cà Đam thiêng liêng (cao hơn 1.400 m) hiện ra ở phía trước. Còn đường thủy đi từ Trà Thủy ngược lên Trà Hiệp, Trà Thanh, bám theo dòng sông khúc khuỷu, có đoạn trườn qua núi như con trăn lớn bò về phía thượng nguồn. Trong suốt hành trình ấy, núi Răng Cưa luôn hiện ra sừng sững phía trước, như một ngọn núi dẫn đường.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Núi Răng Cưa - đỉnh thiêng của người Kor

Lớp học dưới chân dãy núi Răng Cưa ẢNH: PHẠM ANH

Vì lẽ đó, người Kor gọi Răng Cưa là ngọn núi của đường nước. Ngoài ra, tùy theo hướng đi, họ còn có các lối “đường giữa”, “đường đông”, linh hoạt theo sinh hoạt, mưu sinh mỗi ngày.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư, núi Răng Cưa xuất hiện trong nhiều thư tịch cổ như: Đại Nam nhất thống chí, Phủ Man tạp lục hay Đồng Khánh dư địa chí. Trong đó, núi này còn có tên là Cư Xỉ, gồm 5 đỉnh nhọn vươn lên trời. Vì hình thù như bàn tay, dân gian còn gọi núi là Ngũ Chỉ.

Quanh Răng Cưa còn có nhiều núi “anh em” như núi Đá Trắng, nơi có những cây quýt, cây bưởi mọc giữa lưng chừng đá. Núi cũng là nơi khởi nguồn cho nhiều con suối đổ vào sông Trà Bồng, nuôi sống bao thế hệ cư dân bản địa.

Ngày nay, dưới chân núi, người Kor vẫn dựng nhà, lập làng, sống tựa vào núi mà trưởng thành, gắn bó với núi rừng. Trong chương trình giáo dục địa phương, các trường học ở Trà Hiệp cũng lồng ghép truyền thuyết và hình ảnh núi Răng Cưa vào bài học để thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, biết gìn giữ núi rừng như gìn giữ chính bản sắc của mình. 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img