VTV.vn – Chú trọng kiến tạo không gian du lịch hướng biển không chỉ là định hướng mang tính chiến lược mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km với nhiều bãi biển tuyệt đẹp, vịnh nổi tiếng và các hòn đảo hoang sơ. Sau đề án sáp nhập đơn vị hành chính các tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên và miền duyên hải, việc kiến tạo không gian hướng biển để phát triển du lịch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa quốc gia có thế mạnh về biển.
Liên kết không gian, sản phẩm du lịch hướng biển
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch biển chính là thế mạnh cần ưu tiên. Việc quy hoạch không gian biển cần được thực hiện một cách đồng bộ, từ việc xác định các khu vực phát triển du lịch đến bảo tồn các khu vực sinh thái. Việt Nam sở hữu nhiều bãi biển đẹp, hệ sinh thái đa dạng và các di sản văn hóa phong phú. Sự gia tăng nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế tạo ra cơ hội lớn cho ngành du lịch biển.

Việt Nam sở hữu nhiều bãi biển đẹp, hệ sinh thái đa dạng và các di sản văn hóa phong phú.
Mùa du lịch biển đang bắt đầu. Ngay lúc này, một trong những cách để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch biển, đáp ứng yêu cầu của du khách trong chuyến du lịch ngắn ngày chính là kết nối những điểm đến từ Tây Nguyên xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ. Biển xanh, hoa vàng và đại ngàn Tây Nguyên – đang có sự kết nối những sản phẩm du lịch như vậy tại các tỉnh Phú Yên – Đắk Lắk, Bình Định, Gia Lai và Bình Thuận – Lâm Đồng. Chính sự liên kết này giúp bức tranh du lịch ở các địa phương có nhiều khởi sắc.
Biển trong lành luôn có sức hấp dẫn đối với du khách. Những sản phẩm du lịch ở đây cũng khác biệt rất nhiều so với vùng Tây Nguyên. Ý tưởng liên kết du lịch với chủ đề biển xanh, hoa vàng và đại ngàn Tây Nguyên đã được những người làm du lịch đưa ra nhằm mục đích bổ sung lợi thế du lịch của từng vùng đất, nhất là mở ra không gian hướng biển.

Biển trong lành luôn có sức hấp dẫn đối với du khách.
Với Phú Yên, vẻ đẹp hoang sơ là lợi thế, nhưng đó cũng sẽ là trở ngại nếu ở đây chỉ đơn thuần là phong cảnh đẹp. Được du khách biết đến từ 3 năm trở lại đây, Phú Yên chưa có nhiều sản phẩm du lịch, khiến cho du khách thường chỉ dành 2-3 ngày lưu trú khi đến vùng đất này.
Anh Phạm Võ Quốc Bảo, người từng có nhiều kinh nghiệm trong điều phối tour du lịch tại Phú Yên cho rằng: “Sẽ rất hiệu quả khi phối hợp các tỉnh để đưa khách đi tour vì nếu đến một điểm thì khách dễ bị chán. Bên cạnh đó, mình thiết kế tour phù hợp, đảm bảo thời gian, tính khoa học để khách tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng ở nhiều nơi trong một chuyến đi”.
Kết nối hạ tầng giao thông liên vùng hướng biển
Năm 2025 ghi nhận sự bứt tốc về giao thông quốc gia khi các tuyến giao thông kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải theo đề án sáp nhập đơn vị hành chính dược gấp rút triển khai và hoàn thiện. Riêng tuyến cao tốc Bắc – Nam kết nối liên vùng sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2025. Đây là cơ sở nền tảng vững chắc để các công ty lữ hành du lịch mạnh dạn đồng loạt triển khai các sản phẩm, các gói dịch vụ liên kết hướng biển để tăng sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các chuyến bay thẳng kết nối từ Trung Á, Hàn Quốc, Trung Quốc đến các tỉnh có thế mạnh về du lịch biển như Nha Trang – Đà Nẵng – Phú Quốc thời gian gần đây đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành du lịch địa phương.

Hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ tiện ích được đầu tư và nâng cấp.
Hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ tiện ích cần được đầu tư và nâng cấp. Việc xây dựng các cảng biển hiện đại và đường bộ kết nối sẽ giúp thu hút nhiều khách du lịch hơn. Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng đang được đặt ra khi có nhiều du khách quốc tế quay lại vùng duyên hải, đó là giải giải quyết bài toán thiếu nhân lực. Liệu có thể thu hút du khách nhiều hơn, giữ chân du khách lâu hơn với thực tế du lịch hiện nay?
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Khánh Hòa được mệnh danh là “thiên đường biển nhiệt đới” đối với du khách xứ sở bạch dương. Nơi đây từng đón hơn nửa triệu lượt khách Nga mỗi năm, chiếm gần 70% tổng lượng khách Nga đến Việt Nam. Thế nhưng, sau niềm vui hồi phục là nỗi lo âm ỉ: nhân lực ngành du lịch thông thạo tiếng Nga đang thiếu hụt trầm trọng. Sự trở lại của thị trường này là tín hiệu đáng mừng, nhưng để giữ chân du khách, ngoài cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch, yếu tố con người – nhất là khả năng giao tiếp ngoại ngữ, vẫn là “chìa khóa vàng”.

Đào tạo nhân lực ngành du lịch tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Không giống nhiều thị trường khác, khách du lịch Nga có đặc thù riêng: họ mong muốn được chào đón như người nhà, cần người nói cùng ngôn ngữ để cảm thấy an toàn và thân thiện khi đến một đất nước xa lạ. Để đáp ứng nguồn nhân lực du lịch thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Nga, ông Nguyễn Doãn Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang cho biết: “Phải có đội ngũ giảng viên tiếng Nga có trình độ, khả năng giảng dạy tốt thì mới có thể đáp ứng ngay được việc đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng hướng dẫn viên, sinh viên”.
Tăng cường quảng bá, tăng cạnh tranh quốc tế
Liên kết kiến tạo không gian du lịch biển ngày càng được quan tâm nhiều hơn với những cách làm mới để phù hợp thực tế để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Nhiều du khách quốc tế sẵn sàng dành hết kỳ nghỉ để được ở bên biển. Nhưng để du lịch các tỉnh Nam Trung bộ hấp dẫn hơn, kéo dài hơn thời gian lưu trú của khách thì sản phẩm du lịch không chỉ là biển.
Tối ưu nguồn khách, đa dạng hóa khách quốc tế không chỉ giúp ổn định nguồn thu, mà còn nâng cao giá trị du lịch và tạo ra động lực cải thiện chất lượng dịch vụ. Để tận dụng được cơ hội này, ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, để kết nối thị trường trong và ngoài nước thì Khánh Hòa cần phải tăng cầu bằng việc đẩy mạnh xây dựng các loại hình du lịch phù hợp với xu thế mới, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Phát triển sản phẩm du lịch bản sắc – kết hợp yếu tố biển đảo với văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm chân thực của du khách quốc tế.

Phát triển sản phẩm du lịch bản sắc – kết hợp yếu tố biển đảo với văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng.
Nhiều du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam đã bày tỏ sự hào hứng và yêu thích. Họ không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn với sự hiếu khách, thân thiện của người dân nơi đây. Những món ăn đặc trưng mang hương vị tươi ngon của biển đã chinh phục khẩu vị của nhiều du khách, khiến họ cảm thấy như đang khám phá một thế giới ẩm thực đầy màu sắc.

Hương vị tươi ngon của biển đã chinh phục khẩu vị của nhiều du khách.
Phát huy bản sắc văn hóa khác biệt từng địa phương
Mỗi tỉnh ven biển đều có những nét văn hóa độc đáo. Việc phát triển du lịch không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn cần chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa địa phương, từ ẩm thực, phong tục tập quán đến nghệ thuật truyền thống. Các sự kiện văn hóa, lễ hội địa phương có thể được tổ chức thường xuyên để thu hút du khách và tạo cơ hội cho người dân địa phương giao lưu. Điều này không chỉ giúp quảng bá văn hóa mà còn tăng cường tinh thần cộng đồng.

Ngư dân kéo lưới trên biển.
Bên cạnh không gian sống trong lành, bình yên là những khác biệt văn hóa. Với du khách quốc tế, đó chính là sức hấp dẫn của vùng đất, sức lôi cuốn của những sản phẩm du lịch biển. Ông Phạm Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường quảng bá, xây dựng các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch, phối hợp với Hiệp hội Du lịch các địa phương tăng cường quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế. Chỉ khi có nguồn khách đa dạng, du lịch biển Khánh Hòa mới có thể trụ vững và bứt phá.

Đa dạng nguồn khách để phát triển du lịch bền vững.
Du lịch biển Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, với những tín hiệu tích cực. Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc không chỉ là những điểm đến lý tưởng mà còn là biểu tượng cho sự hồi sinh của ngành du lịch Việt Nam. Việc kiến tạo không gian biển phát triển du lịch sau đề án sáp nhập các tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết bởi du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của toàn ngành du lịch Việt Nam.

Trải nghiệm vịnh tôm hùm – sản phẩm du lịch biển.
Sự phát triển của du lịch biển không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa con người Việt Nam ra thế giới. Chú trọng kiến tạo không gian du lịch hướng biển không chỉ là định hướng mang tính chiến lược mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!