Sáp nhập tỉnh, thành là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tái cấu trúc hệ thống hành chính, hướng đến tinh gọn bộ máy, sử dụng hiệu quả ngân sách và phát triển cân bằng vùng miền.
NGÂN HÀNG ĐỀ THI CHUNG: CÔNG BẰNG TRONG ĐÁNH GIÁ
Có địa phương là trung tâm đào tạo mạnh, nhưng có nơi thuộc vùng khó khăn, thiếu thốn về đội ngũ, thiết bị và cơ hội học tập. Khi những đơn vị này hợp nhất, bài toán lớn nhất đặt ra là làm sao để không có học sinh (HS) nào bị bỏ lại phía sau, không có trường nào bị lạc nhịp với chuẩn chất lượng mới.

Cần một công cụ mang tính đồng bộ, khoa học, khách quan để đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Để xử lý bài toán đó một cách căn cơ, chúng ta cần một công cụ mang tính đồng bộ, khoa học và khách quan: Đó là ngân hàng đề thi. Nếu được xây dựng bài bản và vận hành hiệu quả, ngân hàng đề thi sẽ là “cánh tay nối dài” của đổi mới giáo dục, là phương tiện để đo lường trung thực chất lượng dạy và học, là nền móng để chống tiêu cực, và cũng là điểm tựa để ngành giáo dục sau sáp nhập thiết lập mặt bằng chung về đánh giá năng lực HS.
Sau sáp nhập, các địa phương sẽ có quy mô rộng lớn hơn, dân số đông hơn, trường lớp nhiều hơn, điều đó đồng nghĩa với sự gia tăng mạnh mẽ của nội lực ngành giáo dục. Tuy nhiên, nếu không có một hệ thống đánh giá thống nhất thì nội lực ấy dễ bị phân tán, khó quy chuẩn hóa chất lượng. Nói cách khác, nếu mỗi nơi vẫn tự ra đề, tự kiểm tra, tự công nhận kết quả thì việc sáp nhập hành chính sẽ không thể kéo theo sự hợp nhất thực chất trong giáo dục.
Ngân hàng đề thi không chỉ giúp khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong kiểm tra đánh giá, mà còn tạo ra một hệ quy chiếu chung, đảm bảo công bằng giữa HS các trường. Khi cùng học chung chương trình, cùng được đánh giá bằng một bộ đề chuẩn hóa, HS sẽ cảm nhận rõ hơn về sự nghiêm túc và khách quan của thi cử, từ đó điều chỉnh lại cách học, tăng cường tư duy phản biện, phát triển năng lực chứ không học lệch, học tủ. Đồng thời, giáo viên cũng có cơ sở để điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, từ bỏ thói quen dạy theo cảm tính hoặc dựa trên các dạng đề cũ lặp đi lặp lại, vốn không còn phù hợp với yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Một ngân hàng đề bài bản phải là một hệ thống được thiết kế theo cấu trúc năng lực, tích hợp các mức độ nhận thức theo thang Bloom, được cập nhật định kỳ để phù hợp với đổi mới chương trình và xu thế phát triển xã hội. Mỗi đề thi không chỉ đo kiến thức, mà cần kiểm tra khả năng vận dụng, tư duy logic và ứng dụng thực tiễn. Khi đó, đề thi mới thực sự là thước đo chính xác trình độ HS và chất lượng giáo dục địa phương.
Một ngân hàng đề được mã hóa, kiểm duyệt chặt chẽ, rút đề ngẫu nhiên theo cấu trúc đã định sẽ là giải pháp ngăn chặn từ gốc các hành vi sai phạm trong kiểm tra đánh giá.
CÁCH XÂY DỰNG, VẬN HÀNH NGÂN HÀNG ĐỀ THI CHUNG
Xây dựng ngân hàng đề không phải là việc đơn giản, càng không thể làm qua loa. Đây là công việc học thuật nghiêm túc, đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và tâm huyết ở từng bộ môn. Các tổ biên soạn đề cần được tập huấn bài bản về cách thiết kế câu hỏi theo hướng phát triển năng lực, đồng thời cần có hội đồng chuyên môn thẩm định để đảm bảo tính chính xác và phù hợp của từng đề.

Ngân hàng đề thi nếu được xây dựng bài bản và vận hành hiệu quả sẽ là phương tiện để đo lường trung thực chất lượng dạy và học
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Việc cập nhật ngân hàng cũng phải được thực hiện định kỳ, phản ánh các điều chỉnh của chương trình giáo dục, cũng như các vấn đề thực tiễn đặt ra trong xã hội.
Một khía cạnh quan trọng khác là phải ứng dụng công nghệ vào quá trình xây dựng và vận hành ngân hàng đề. Các phần mềm chuyên dụng cần được thiết kế để có thể trộn đề, rút đề ngẫu nhiên theo chủ đề, theo mức độ khó, theo vùng kiến thức… Việc quản lý bằng công nghệ sẽ giúp bảo mật đề thi, ngăn ngừa rò rỉ, và tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận các dạng đề tham khảo cho quá trình dạy học.
Ngoài ra, dữ liệu HS sau mỗi kỳ thi cần được lưu trữ và phân tích, từ đó giúp nhà trường và các cấp quản lý có cái nhìn khách quan hơn về chất lượng giáo dục từng vùng, từng trường.
Thực tiễn cho thấy, một số địa phương đã triển khai ngân hàng đề chung toàn tỉnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đề thi được nâng cấp về độ phân hóa, giảm lệch chuẩn giữa các trường, HS không còn học tủ mà chú trọng tư duy. Quan trọng hơn, tâm lý phụ huynh và xã hội đã dần thay đổi, tin tưởng hơn vào sự công bằng trong thi cử. Đây là bài học thực tiễn mà các tỉnh mới sáp nhập hoàn toàn có thể nghiên cứu, học hỏi và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của mình.
Một ngân hàng đề sống động, khoa học và được cập nhật liên tục không chỉ phục vụ thi cử, mà còn là “người bạn đồng hành” của thầy cô trên hành trình dạy học. Nó cung cấp dữ liệu, gợi mở định hướng, phản ánh thực chất học lực HS. Xa hơn nữa, ngân hàng đề là bước đi đầu tiên để tiến tới các kỳ thi chung cấp tỉnh, nơi mà HS được đánh giá công bằng, minh bạch, còn giáo viên được nhìn nhận đúng năng lực thông qua hiệu quả giảng dạy.
Một nền giáo dục muốn phát triển phải được dựng xây trên công bằng, minh bạch và chất lượng thực chất. Ngân hàng đề thi nếu được làm thật, chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa ấy.
Nguồn: thanhnien.vn