Các doanh nghiệp đang chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng nỗ lực này là chưa đủ.
Các hộ sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng công nghệ hiện đại để canh tác lúa bền vững
Theo tính toán của WB, nhu cầu đầu tư tăng thêm để thích ứng về nông nghiệp, hạ tầng và bảo vệ vốn nhân lực trong các năm từ 2025-2050 ước khoảng 233 tỷ USD, tương đương bình quân 0,75% GDP/năm.
Mặc dù Chính phủ đóng vai trò then chốt nhưng khoảng 2/3 đầu tư cho thích ứng dự kiến sẽ đến từ khu vực tư nhân và các hộ gia đình. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam đang chủ động ứng phó với rủi ro khí hậu.
Điển hình như tại đồng bằng sông Cửu Long, canh tác lúa bền vững và sử dụng thiết bị bay để bón phân chính xác đang được triển khai. Phương thức này không chỉ nâng cao khả năng chống chịu, giảm khí thải mê tan mà còn giảm chi phí sản xuất, mở hướng tiếp cận thị trường hữu cơ cao cấp. Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp SME ngành chế biến chế tạo đã đầu tư thiết bị chống ngập, giảm thiệt hại tải sản, giảm thời gian ngừng việc.
Tuy nhiên, hoạt động thích ứng của doanh nghiệp đang bị hạn chế bởi một số rào cản đến từ việc thiếu thông tin đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế tín dụng. Dù khu vực tư nhân đã chủ động đầu tư cho các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu song mức đầu tư ban đầu này khá lớn, nhất là với doanh nghiệp SME, hộ gia đình thu nhập thấp vốn không có đủ tài sản thế chấp hoặc dòng tiền đảm bảo đủ đầu tư.
Nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng trong các lĩnh vực có nguy cơ dễ tổn thương với các cú sốc khí hậu như giao thông
Trong bối cảnh đó, theo WB, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi, tạo động lực cho khu vực tư nhân triển khai các hành động, đầu tư thích ứng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hành động kiên quyết trong vai trò là nhà đầu tư các công trình hạ tầng thích ứng trọng yếu và hỗ trợ quá trình chuyển đổi; thiết lập luật lệ qua tạo lập các công cụ tài chính, ban hành quy định mới dẫn dắt quá trình chuyển đổi.
Ở cấp độ địa phương, quan trọng nhất là thiết lập hành động phối hợp giữa các cấp chính quyền. Bởi, có những thách thức phát triển nằm ngoài ranh giới địa phương, liên quan đến nhiều địa phương có tần suất, mức độ nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Trong giai đoạn tới (từ năm 2026-2030), WB khuyến nghị cần thiết kế các sản phẩm tài chính kết hợp nguồn lực nhà nước, tư nhân, tài trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng chống chịu và thích ứng; phát triển thị trường bảo hiểm và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro. Đồng thời, quản lý rủi ro hiệu quả thông qua triển khai công cụ huy động tài chính dự phòng nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, xây dựng chương trình đầu tư công thích ứng với rủi ro khí hậu. Trong đó, xác định và ưu tiên đầu tư dự án hạ tầng vào các lĩnh vực có nguy cơ dễ tổn thương với các cú sốc khí hậu như giao thông, cấp nước, đô thị, nông nghiệp. Ngoài ra, cần đảm bảo phối hợp giữa các địa phương nhằm thực hiện dự án hạ tầng đồng bộ, tối đa hiệu suất và tránh chồng chéo.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn