Saturday, May 24, 2025

Cảnh báo mùa du lịch biển: Viêm da tiếp xúc do sứa biển

VTV.vn – Gần đây, Khoa Da liễu – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bé gái N.P.L (10 tuổi) bị viêm da nặng do tiếp xúc với sứa trong khi tắm biển.

Theo lời kể của mẹ bé, khi trẻ đang vui chơi với sóng biển thì thấy có vật thể dạt lại gần. Vật thể trong suốt (loài sứa biển) rất đẹp nên trẻ đã vòng tay ôm. Sau đó trẻ bị tổn thương da nặng, bao gồm dát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước thành vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch, viêm tấy, kèm theo ngứa, bỏng rát, châm chích tại vùng cẳng tay và mu bàn tay hai bên, ở vị trí tiếp xúc với xúc tu sứa.

Nhờ sự phối hợp giữa Khoa Da liễu và Khoa Cấp cứu – Chống độc, sau khoảng một tuần điều trị với các biện pháp kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm ngứa, thuốc bôi và chăm sóc tại chỗ, tình trạng của trẻ đã cải thiện rõ rệt.

Sứa thuộc động vật thân mềm, sống ở môi trường nước. Cơ thể sứa chủ yếu là nước và một phần nhỏ là protein cấu trúc, tế bào thần kinh và cơ. Trên xúc tu dài có hàng triệu tế bào châm li ti, chứa độc tố có thể đâm xuyên da và tiêm độc vào cơ thể người khi tiếp xúc.

Độc tố của sứa có thể gây tổn thương mô, phá vỡ màng tế bào, tác động đến hệ thần kinh hoặc gây dị ứng như ngứa, sưng nề, phát ban và có thể gây phản vệ. Các loài sứa độc thường gặp tại Việt Nam gồm sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng. Khi tiếp xúc với các loài sứa này, người bị đốt có thể cảm thấy đau rát, bỏng, sưng phù, nổi bọng nước và có thể gặp các triệu chứng nặng như khó thở, sốc phản vệ.

Khi bị sứa đốt, cần giữ bình tĩnh, gọi hỗ trợ y tế. Cần hạn chế cử động, tránh chà xát vết thương và dùng tay trần tiếp xúc với xúc tu còn bám. Rửa vết thương bằng nước biển hoặc giấm, không dùng nước ngọt. Dùng thìa hoặc vật phẳng để gạt nhẹ các tế bào độc còn sót. Có thể giảm đau bằng cách chườm ấm hoặc dùng thuốc giảm đau thông thường. Không nên bôi thuốc không rõ nguồn gốc hoặc rửa vì có thể khiến tổn thương nặng thêm.

Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương và điều trị phù hợp. Để phòng ngừa, phụ huynh nên trang bị kiến thức về các loài sứa độc, mặc quần áo bảo hộ khi tắm biển và quan sát các bảng cảnh báo tại bãi biển. Những biện pháp đơn giản có thể giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img