Thursday, May 29, 2025

“Chìa khoá” chuyển đổi kép ngành dệt may

Số hoá và xanh hoá là yêu cầu chuyển đổi kép của ngành dệt may trên lộ trình nâng cao giá trị và phát triển xanh, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng gay gắt từ các thị trường.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD. Đây là mục tiêu cần sự nỗ lực lớn, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức ngày càng rõ nét khi các thị trường trọng điểm đang “luật hoá” các tiêu chuẩn về phát thải, truy xuất nguồn gốc, chứng chỉ môi trường, buộc doanh nghiệp phải “xanh hóa” để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chìa khoá" chuyển đổi kép ngành dệt may

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD.

Song song đó, các doanh nghiệp còn buộc phải cạnh tranh về năng suất, chi phí và khả năng linh hoạt khi các nhãn hàng ngày càng ưu tiên đặt đơn hàng quy mô nhỏ kèm thời gian giao hàng nhanh.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), thách thức lớn nhất hiện nay là nâng cao giá trị gia tăng. Chúng ta vẫn đang ở vị trí gia công là chủ yếu, giá trị xuất khẩu cao nhưng giá trị thực thu lại chưa tương xứng. Để bứt phá, doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào công nghệ, thiết kế, tự chủ nguyên phụ liệu và chuyển đổi số.

Cùng với đó, trong bối cảnh toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chuyển sang tiêu dùng có trách nhiệm, khái niệm “xanh hóa” trong ngành dệt may không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để tồn tại và phát triển.

“Nếu không chuyển đổi kịp thời, ngành dệt may có thể đánh mất cơ hội tiếp cận các thị trường cao cấp. Việc xanh hóa là vấn đề sống còn, không còn đơn thuần là một xu hướng”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Như vậy, “số hoá” và “xanh hoá” không còn là lựa chọn mang tính hình thức, mà là cặp bài trùng chiến lược cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, và tạo giá trị mới.

"Chìa khoá" chuyển đổi kép ngành dệt may

Các thị trường trọng điểm đang “luật hoá” các tiêu chuẩn về phát thải, truy xuất nguồn gốc, chứng chỉ môi trường, buộc doanh nghiệp phải “xanh hóa” để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nắm bắt yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp tiên phong đã chủ động đầu tư vào công nghệ sạch, quy trình tiết kiệm năng lượng và hệ thống xử lý nước thải hiện đại từ rất sớm, thay vì chờ đến khi các quy định trở nên bắt buộc. Đây không chỉ là sự chuẩn bị cho tương lai mà còn là chiến lược để tạo lợi thế cạnh tranh trong hiện tại.

Đơn cử, Tổng công ty May 10 đã thay thế 90% lò đốt than tại các xưởng sản xuất bằng lò đốt viên nén biomass với mục tiêu giảm phát thải 20.000 tấn carbon ra môi trường trong năm 2025. Tổng công ty cũng đặt mục tiêu phủ kín điện mặt trời áp mái tại các đơn vị. Bên cạnh đó, tỷ trọng sợi tái chế trong các dòng sản phẩm may mặc của May 10 đang chiếm khoảng 30 – 50%. Tổng công ty cũng liên kết với nhà sản xuất sợi, xử lý các sản phẩm dư thừa thành sợi tái chế, phục vụ sản xuất sản phẩm mới.

Tương tự, tại Tổng công ty may Bắc Giang, công suất điện năng lượng mặt trời đã có thể đáp ứng khoảng 40% lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy trong những tháng cao điểm. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng chú trọng việc tuân thủ các chứng chỉ về tái chế toàn cầu, sử dụng nguyên liệu tái chế, tiêu chuẩn lông vũ có trách nhiệm và loạt chứng nhận về trách nhiệm xã hội.

Song hành với nỗ lực của doanh nghiệp, VITAS cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho những dự án đầu tư công nghệ xanh, nhà máy thông minh, đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho các khu công nghiệp dệt nhuộm, yếu tố then chốt để phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Về dài hạn, ông Cẩm cho rằng ngành dệt may cần một chiến lược tổng thể và bền vững: Từ quy hoạch vùng nguyên liệu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đến hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu Việt.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img