Wednesday, May 28, 2025

Ngành ngân hàng số hóa mạnh, 90% giao dịch qua kênh số

VTV.vn – Bốn năm kể từ khi Quyết định 810/QĐ-NHNN được ban hành, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước chuyển mình ngoạn mục trên hành trình chuyển đổi số.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – sau khi triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030, hiện nay  tỷ lệ giao dịch qua kênh số của nhiều tổ chức tín dụng hiện nay đã vượt mốc 90%, một con số không chỉ ấn tượng mà còn phản ánh rõ nét hiệu quả của việc hoạch định và triển khai chính sách chuyển đổi số trong ngành.

Từ một hệ thống vốn dựa nhiều vào giao dịch trực tiếp, ngành ngân hàng đã nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, trong đó chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu tất yếu. Quyết định 810, với định hướng đến năm 2030, đã đặt nền móng vững chắc cho tiến trình này khi đưa ra các mục tiêu rõ ràng, khả thi, đồng thời thúc đẩy sự chủ động từ phía các tổ chức tín dụng (TCTD) trong đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và số hóa quy trình nội bộ.

Thành quả của một hành trình chiến lược

Việc tỷ lệ giao dịch số hóa vượt 90% không đến từ một vài giải pháp riêng lẻ, mà là kết quả của một hệ sinh thái nỗ lực tổng thể. Hàng loạt dịch vụ ngân hàng truyền thống như mở tài khoản, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn hay vay vốn đã được số hóa hoàn toàn. Khách hàng chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể thực hiện trọn vẹn các giao dịch mà trước đây buộc phải đến chi nhánh ngân hàng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn mở ra một trải nghiệm dịch vụ hiện đại, linh hoạt, đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng trong năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt  (TTKDTM) tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị; qua kênh Internet tăng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị. Giao dịch TTKDTM đến tháng 3/2025 đạt hơn 5,2 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 80 triệu tỷ đồng, tăng 44,43% về số lượng và tăng 24,34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024

Một yếu tố quan trọng khác chính là sự thay đổi trong tư duy quản trị và vận hành. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, MB, Techcombank hay VPBank đã nhanh chóng chuyển mình trở thành các tổ chức công nghệ tài chính (fintech) đúng nghĩa, khi coi dữ liệu là tài sản chiến lược và công nghệ là yếu tố cốt lõi để dẫn dắt sự tăng trưởng. Việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, hệ thống định danh điện tử (eKYC), công nghệ sinh trắc học… đã giúp nâng cao độ chính xác, giảm rủi ro và đặc biệt là cá nhân hóa dịch vụ tới từng khách hàng.

Nhiều thách thức đòi hỏi ngành ngân hàng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa

Không thể không nhắc tới vai trò của NHNN trong việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ và an toàn trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và sự hỗ trợ từ các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính…, ngành ngân hàng đã và đang dần tạo ra một môi trường số liên thông, an toàn và thuận lợi.

Ngành ngân hàng số hóa mạnh, 90% giao dịch qua kênh số - Ảnh 1.

Duy trì tính bảo mật, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý rủi ro công nghệ và nâng cao kỹ năng số cho người dân là những thách thức trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch số vượt 90% không chỉ là con số của sự thành công, mà còn đặt ra yêu cầu mới trong giai đoạn tiếp theo. Việc duy trì tính bảo mật, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý rủi ro công nghệ và nâng cao kỹ năng số cho người dân là những thách thức đòi hỏi ngành ngân hàng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Bằng việc đạt được tỷ lệ giao dịch số hóa vượt trội trong thời gian ngắn, ngành ngân hàng Việt Nam đã khẳng định vị thế tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây không chỉ là thành tựu kỹ thuật, mà còn là minh chứng rõ ràng cho một tầm nhìn chiến lược, sự đồng lòng và tinh thần cải cách quyết liệt – yếu tố then chốt giúp Việt Nam bứt phá trên con đường phát triển kinh tế số trong kỷ nguyên mới. rong giai đoạn tới, NHNN xác định rõ định hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy truyền thông, giáo dục tài chính, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật công nghệ mới và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Trọng tâm chiến lược là tích hợp sâu rộng giữa ngân hàng với các lĩnh vực kinh tế khác, xây dựng một hệ sinh thái số đồng bộ, gắn kết và hiệu quả, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế số của đất nước.

Trao đổi với các phóng viên, bà Lê Thị Thúy Sen – Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng – khẳng định vai trò tiên phong của ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 11/5 đã được NHNN chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đây là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng có thể xem là cột mốc về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, có ý nghĩa quan trọng giúp ngành xác định rõ định hướng, kế hoạch hoạt động trong xu thế chuyển đổi số. Việc chọn ngày 11/5 làm “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng” không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, mà còn là sự ghi nhận mốc son quan trọng. Từ dấu mốc này, ngành Ngân hàng đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò nòng cốt trong tiến trình xây dựng nền kinh tế số Việt Nam hiện đại, bền vững.

Bà Thúy Sen nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 57 được cụ thể hóa bằng chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025: “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”. Theo bà Sen, chủ đề của sự kiện năm nay – “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới” – không chỉ thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng mục tiêu quốc gia, mà còn khẳng định tầm nhìn dài hạn, khi đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong mọi chiến lược số hóa.

Chia sẻ thêm về lựa chọn chủ đề này, đại diện Ban Tổ chức cho biết đây là sự tiếp nối và nâng tầm từ chủ đề năm 2024 “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Trong năm 2025, sự kiện chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain… nhằm thúc đẩy sự tương tác mạnh mẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái tài chính, hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái số hiện đại, linh hoạt và bền vững. Việc này không chỉ tạo ra giá trị thực tiễn cho người dùng, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img