Thursday, May 29, 2025

Người thừa kế Tâm Đức: Khi đạo diễn, dàn diễn viên gửi gắm hồn Việt vào tô mì Quảng

Vượt khỏi khuôn khổ của một bộ phim truyền hình hài – lãng mạn thuần túy, Người thừa kế Tâm Đức là thông điệp sâu lắng về sự chữa lành, tình thân và di sản ẩm thực Việt đáng quý.

Bộ phim khéo léo đan cài những lát cắt đời thường, những mối quan hệ đầy cảm xúc, và đặc biệt là tình yêu dành cho món mì Quảng – không chỉ là món ăn, mà là linh hồn của cả một vùng đất. Sự kết hợp giữa Trần Phong, Mi Lan, Quan Khải và bàn tay đạo diễn đầy tinh tế của Thái Trình mang đến một bộ phim truyền hình vừa lắng đọng, vừa gần gũi đến không ngờ – nơi khán giả có thể soi chiếu chính mình trong từng ánh mắt, cử chỉ và câu chuyện của nhân vật.
 
Để hiểu rõ hơn về hành trình cảm xúc mà bộ phim muốn truyền tải, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành từ đạo diễn Thái Trình và hai diễn viên chính Trần Phong, Mi Lan – những người đã sống trọn vẹn trong câu chuyện này, không chỉ bằng kỹ năng diễn xuất mà còn bằng tất cả sự rung động từ trái tim.
 
Đạo diễn Thái Trình: Hành trình gìn giữ giá trị văn hóa qua món mì Quảng và thông điệp chữa lành
 
 
Đạo diễn Thái Trình
 
Đạo diễn Thái Trình chia sẻ: “Người Thừa Kế Tâm Đức không chỉ là một bộ phim về mì Quảng, mà là hành trình của tình thân, của sự kế thừa và những giá trị sống đậm chất Việt.” Với ông, ẩm thực Việt không chỉ là chuyện ăn uống, mà còn là câu chuyện văn hóa, là cầu nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Việc chọn món mì Quảng – một di sản phi vật thể – làm trung tâm câu chuyện, là cách đạo diễn Thái Trình muốn tôn vinh nếp sống, tinh thần hiếu khách và bản sắc người Quảng. Bộ phim gửi gắm thông điệp về tình yêu thương, sự bao dung và khát vọng gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau. Những giấc mơ tưởng như đã ngủ quên vẫn có thể sống dậy, khi ta có niềm tin và sự chân thành.Đạo diễn đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của mô hình gia đình nhiều thế hệ, nơi ông bà là người giữ lửa, còn lớp trẻ cần trách nhiệm tiếp nối bản sắc. Việc lựa chọn Trần Phong và Mi Lan vào vai chính cũng đến từ sự đồng điệu giữa ngoại hình, chiều sâu tâm lý và sự tận tâm trong quá trình quay. 

 
Đạo diễn Thái Trình chỉ đạo diễn xuất
 
Bộ phim có rất nhiều tuyến nhân vật đan xen. Để kiểm soát được cảm xúc và độ “chín” của mỗi tuyến trong thời lượng giới hạn, tôi và ê-kíp đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ giai đoạn đọc kịch bản. Mỗi diễn viên đều có thời gian làm quen với nhân vật của mình. Với vai trò đạo diễn, tôi lập sơ đồ quan hệ và tâm lý nhân vật rất chi tiết để đảm bảo mỗi phân đoạn đều đạt được chiều sâu cảm xúc và sự liền mạch. 
 
Tôi kỳ vọng rằng Người thừa kế Tâm Đức sẽ được khán giả đón nhận không chỉ như một bộ phim, mà như một hành trình cảm xúc chữa lành. Tôi mong rằng bộ phim không chỉ giúp người xem hiểu hơn về văn hóa ẩm thực Việt – đặc biệt là món mì Quảng – mà còn đánh thức trong mỗi người những giấc mơ tưởng như đã ngủ quên. Rằng chỉ cần đủ khát khao và chân thành, bất kỳ ai cũng có thể sống trọn vẹn với đam mê của mình.
 
Diễn viên Trần Phong vai Trung: Vai diễn đánh dấu sự trưởng thành trong diễn xuất
 
 
Diễn viên Trần Phong trong vai Hoàng Trung
 
Từng theo học diễn xuất nhưng mất định hướng, Hoàng Trung sống lay lắt bằng những công việc tạm bợ. Cuộc đời anh thay đổi khi được Thảo Nhi thuê đóng giả làm học trò đến học nghề mì Quảng từ ông nội cô. Từ việc “diễn vai”, Trung dần sống thật, cảm nhận được giá trị nghề truyền thống và thay đổi từ bên trong. Anh học được cả cách làm mì lẫn cách làm người. Trần Phong chia sẻ: “Hoàng Trung là một vai diễn đầy chiều sâu – vừa bốc đồng, vừa dễ tổn thương, vừa trưởng thành dần qua trải nghiệm. Tôi xem đây là cơ hội để sống thật với đam mê, với truyền thống, và với chính mình.” Những thử thách như vào bếp, cưỡi ngựa đều là trải nghiệm hoàn toàn mới, nhưng Trần Phong đã nỗ lực luyện tập và nhập vai trọn vẹn.
 
Dù trước đây không quá rành về nấu ăn, nhưng khi nhận vai, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu và tập luyện các thao tác trong bếp, đặc biệt là cách chế biến mì Quảng – món ăn mang nhiều ý nghĩa trong phim. Nhờ sự hỗ trợ từ ê-kíp và những chia sẻ thực tế từ đầu bếp trong đoàn, tôi có thêm kinh nghiệm và tự tin hơn khi thể hiện những cảnh nấu nướng. Đây cũng là cơ hội quý giá để tôi học thêm một kỹ năng mới, vừa phục vụ cho vai diễn, vừa có ích trong cuộc sống.
 
Theo tôi, thông điệp lớn nhất mà Người thừa kế Tâm Đức muốn gửi gắm là về tình cảm gia đình và sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó không chỉ là việc giữ gìn nghề nghiệp hay món ăn đặc trưng, mà còn là tinh thần, nhân cách, và tình yêu thương được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi hoàn toàn đồng cảm với điều đó, vì đối với tôi, gia đình luôn là nền tảng vững chắc nhất trong cuộc sống – nơi nuôi dưỡng nhân cách và là điểm tựa để mỗi người vươn lên. Sau hành trình với bộ phim, tôi học được rất nhiều, cả trong diễn xuất lẫn đời sống cá nhân. Về mặt diễn xuất, tôi được trải nghiệm chiều sâu cảm xúc gắn với tình thân, học cách thể hiện sự trưởng thành nội tâm qua từng ánh mắt, hành động. Còn trong cuộc sống, tôi học được sự kiên nhẫn, sự lắng nghe và cách nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực hơn – đặc biệt là về vai trò của truyền thống và gia đình trong việc định hình con người.
 
Diễn viên Mi Lan vai Thảo Nhi: Trải nghiệm sâu sắc khi tham gia phim về đề tài ẩm thực truyền thống
 
 
Diễn viên Mi Lan trong vai Thảo Nhi

Giám đốc truyền thông sắc sảo, lý trí – nhưng cũng là người cháu đầy tình cảm, âm thầm lo lắng cho ông nội. Kế hoạch “đạo diễn cảm xúc” của Nhi nhằm giúp ông nội hồi sinh đam mê nghề mì Quảng ban đầu chỉ là lý trí, nhưng dần dần chính cô bị cảm hóa bởi những giá trị truyền thống và tình cảm gia đình. Mi Lan cho biết: “Thảo Nhi giống tôi ở sự thẳng thắn, sống tình cảm và luôn hướng về gia đình. Cảnh khóc khi ông nội mất là cảnh tôi khóc thật – vì những mất mát ngoài đời ùa về.” Lần đầu tham gia phim về ẩm thực truyền thống, Milan đã dành thời gian tìm hiểu kỹ về món mì Quảng, tập lái moto, luyện cảm xúc. Cô kể lại một lần bị ngã vì moto đè chân, nhưng nhờ ê-kíp hỗ trợ, mọi chuyện vẫn êm đẹp.

Kịch bản Người thừa kế Tâm Đức không cài cắm quá nhiều drama, mạch phim nhẹ nhàng pha chút đáng yêu của những cặp đôi yêu nhau, cũng như cách đối nhân xử thế giữa người và người. Điều mà Milan rất thích khi đọc kịch bản này đó là bộ phim nói về ẩm thực Việt Nam, những gì liên quan đến ẩm thực hay là ăn uống thì đa phần quý khán giả đều quan tâm và yêu thích. Bên cạnh đó chủ đề về gia đình đặc biệt là tình cảm của ông và cháu trong bộ phim đã làm Milan xúc động.  

 
Milan nghĩ rằng những nét đẹp và tinh hoa ẩm thực nên được lưu truyền và phát huy hơn nữa trong cuộc sống hiện đại bây giờ. Ẩm thực địa phương là một nét gì đó rất thú vị trong mỗi vùng miền, chúng ta có thể lưu giữ lại những mùi vị truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Tình thân giữa người và người không hẳn là tình thân những người trong gia đình mà nó còn là tình thân giữa người ngoài với nhau. Bài học đầu tiên con người nhận thức được từ khi sinh ra đến khi trưởng thành đó là tình thương. Cuộc sống này đã khó khăn vất vả lắm rồi nên con người chúng ta cần kết nối và yêu thương nhau. Chỉ có tình thương mới gắn kết con người giữa những thế hệ với nhau. 
 
Đạo diễn Thái Trình “bóc phốt” hậu trường: Những câu chuyện chưa kể chỉ có ở “Người thừa kế Tâm Đức”
 
 
Diễn viên Mi Lan và Quan Khải trước một cảnh quay
 
Nhân vật ông Tâm – linh hồn của bộ phim – là một thử thách lớn, nhưng tôi rất may mắn khi có sự đồng hành của anh Quan Khải. Anh đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu kịch bản, học cách làm mì Quảng, tráng bánh, cắt bánh như một đầu bếp thực thụ. Anh gần như sống trong nhân vật ông Tâm, nên mọi phân đoạn cảm xúc đều được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật và lay động. Việc tái hiện không gian sống đậm chất miền Trung, đặc biệt là bối cảnh Tiệm Mì Quảng, là một hành trình không hề dễ dàng. Bối cảnh này xuất hiện xuyên suốt trong phim, lại cần phân chia thành hai thời kỳ: quá khứ và hiện tại. Việc tìm kiếm, dựng cảnh, set-up đạo cụ tốn rất nhiều công sức và chi phí.

 
Diễn viên Quan Khải vai ông Tâm
 
Thêm nữa, khó khăn lớn nhất là khung giờ quay – để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán, đoàn phim chỉ được phép quay từ 13h chiều đến 5h sáng hôm sau. Suốt hơn một tháng, toàn bộ ê-kíp đã làm việc trong khung giờ đặc biệt như vậy. Dù rất vất vả, nhưng cũng là những khoảnh khắc đáng nhớ – khi cả đoàn cùng nhau nỗ lực tạo nên những thước phim đẹp. Một phân đoạn để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là cảnh chặt cây dọn dẹp tiệm mì cũ, chuẩn bị cho khai trương tiệm mì mới. Chúng tôi chỉ có 4 tiếng vừa quay vừa set-up, lại gặp thời tiết mưa. Nhưng nhờ tinh thần đồng lòng của cả ê-kíp, mọi việc đã được hoàn thành đúng tiến độ và mang lại một cảnh quay giàu cảm xúc. 
 
Trong thị trường phim truyền hình ngày càng sôi động, tôi tin Người thừa kế Tâm Đức tạo nên sự khác biệt bằng chất liệu đời thường, thông điệp tích cực, cảm xúc nhẹ nhàng và sâu lắng. Một bộ phim gia đình gần gũi, mang tính chữa lành, với những tình huống phản ánh đúng đời sống, sẽ là lựa chọn giúp khán giả tạm gác lại những áp lực để tìm lại sự ấm áp trong tâm hồn.  Người thừa kế Tâm Đức phát sóng lúc 19:45 hằng ngày, từ 26/5/2025 trên SCTV14 và App SCTV Online.

SCTV
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img