VTV.vn – Ngộ độc thuốc và hóa chất là tai nạn thường gặp ở trẻ em, hậu quả có thể nghiêm trọng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ngộ độc thuốc và hóa chất là một trong những tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra bất ngờ ở trẻ em. Tình trạng này không chỉ gây tổn thương cơ thể mà còn có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Các con đường khiến trẻ bị nhiễm độc phổ biến gồm: qua da và niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp, qua đường tiêu hóa do uống nhầm và qua đường hô hấp do hít phải các chất độc trong không khí.
Những nguyên nhân tiềm ẩn trong sinh hoạt hằng ngày
Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị ngộ độc là do sự bất cẩn trong bảo quản thuốc và hóa chất của người lớn. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm nước tẩy rửa, thuốc trừ sâu, dung dịch thuốc lá điện tử… do các sản phẩm này được đựng trong các chai lọ quen thuộc như chai nước suối, nước ngọt đã qua sử dụng. Màu sắc bắt mắt và hình dáng quen thuộc khiến trẻ tò mò, dễ tiếp cận và uống nhầm mà không hề biết đó là chất độc.
Một nguyên nhân khác là việc sử dụng thuốc thiếu hiểu biết. Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị sốt hoặc ho đã tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm, dùng lại đơn thuốc cũ hoặc thậm chí chia nhỏ thuốc của người lớn để cho trẻ uống. Việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng, không rõ nguồn gốc hoặc tự ý điều chỉnh đơn thuốc đều có thể dẫn tới ngộ độc.
Ngoài ra, trong độ tuổi tiền dậy thì, trẻ bắt đầu có những biến đổi về tâm lý và có thể nảy sinh các hành vi tiêu cực khi gặp áp lực học tập, mâu thuẫn với người thân, bạn bè hoặc cảm thấy bị tổn thương tinh thần. Một số trường hợp trẻ có ý định tự tử bằng cách uống thuốc quá liều, gây nên tình trạng ngộ độc có chủ đích. Đây là tình huống đáng lo ngại, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình và nhà trường.
Dấu hiệu cảnh báo ngộ độc cần nhận biết sớm
Các biểu hiện ngộ độc ở trẻ thường rất đa dạng, phụ thuộc vào loại chất độc và đường xâm nhập. Nếu nhiễm độc qua da, trẻ có thể nổi các nốt sưng đỏ hoặc phỏng rộp. Khi bị ngộ độc qua đường tiêu hóa, trẻ có triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc quấy khóc bất thường. Trong trường hợp hít phải khí độc, trẻ có thể xuất hiện cơn ho kéo dài, khò khè, kích thích đường thở hoặc khó thở.
Trong những tình huống nghiêm trọng, trẻ có thể có các biểu hiện toàn thân như thở nhanh hoặc chậm bất thường, da tím tái, co giật, mất ý thức và hôn mê. Đây là các dấu hiệu cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!