Wednesday, May 28, 2025

Quảng Trị: Đích đến mới của dòng vốn FDI chiến lược

Với hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ và tận dụng lợi thế về giao thương, phát triển kinh tế khu vực, Quảng Trị sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao trong kỷ nguyên mới.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển về những điểm đến ổn định, linh hoạt và có chiến lược rõ ràng, Quảng Trị đang ghi dấu ấn nhờ những bước đi kiên định và mang tính lâu dài, đột phá. Từ một địa phương có xuất phát điểm khiêm tốn, tỉnh đang vươn mình mạnh mẽ để nỗ lực định vị trên bản đồ thu hút FDI quốc gia.

Bệ phóng hạ tầng thể chế mở toang “cánh cửa” đầu tư quốc tế

Thành công của Quảng Trị không đến từ may mắn, mà là kết quả của sự chuyển biến toàn diện trong nhận thức và hành động của chính quyền địa phương. Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng văn hóa “đồng hành cùng nhà đầu tư” và tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, đất đai.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở việc “đón tiếp” các nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Quảng Trị còn chủ động “đi tìm” dòng vốn bằng các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc tế. Trong năm 2023 và 2024, nổi bật là Hội nghị “ gặp gỡ Thái Lan” (Meet Thailand) lần thứ nhất tại tỉnh Quảng Trị, hoạt động xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, hoạt động của Thường trực Tỉnh ủy thăm và làm việc tại các tỉnh Salavan, Savannakhet, Champasak, Sekong (Lào), Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kết hợp với xúc tiến đầu tư, Hội thảo, Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.…

Quảng Trị: Đích đến mới của dòng vốn FDI chiến lược

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến làm việc với Tập đoàn T&T

Năm 2024, tỉnh thu hút được 40 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 12.098 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm trước. Trong đó, có 2 dự án FDI mới với tổng vốn 2,633 triệu USD, cùng 5 hồ sơ góp vốn với giá trị hơn 2.186 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, trong đó 22 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Các dự án FDI tại Quảng Trị không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng lao động và hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp hiện đại. Tiêu biểu như Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng với vốn đầu tư lên tới 2,317 tỷ USD do liên danh Tập đoàn T&T, Hanwha, KOSPO, KOGAS (Việt Nam & Hàn Quốc) thực hiện; hay Dự án KCN Quảng Trị của liên doanh VSIP – Amata – Sumitomo, kỳ vọng sẽ mở đường cho các nhà đầu tư thứ cấp vào tỉnh.

Được biết, trong số những nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt tại địa phương này, Hàn Quốc đang nổi lên là đối tác FDI năng động tại Quảng Trị thông qua việc Công ty Sangshin Electronics, Công ty Poong In chính thức vận hành các nhà máy tại CCN Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong; hợp tác với tập đoàn SK, Công ty SK E&S trên các lĩnh vực tăng trưởng xanh và xúc tiến đầu tư, thương mại. Tháng 4/2024, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với thành phố đặc biệt Changwon, mở ra một trang mới trong thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác thương mại tại Quảng Trị.

Quảng Trị: Đích đến mới của dòng vốn FDI chiến lược

Hiện nay, Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị do Công ty TNHH Liên doanh Phát triển Quảng Trị – QTIP (Liên doanh 3 nhà đầu tư VSIP-Amata- Sumitomo) làm chủ đầu tư đã hoàn thành 95% hạng mục thi công san nền và hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn 1. Đồng thời, dự án cũng đang được nghiên cứu để mở rộng tiếp. (Ảnh: Ngọc Tân)

Gỡ điểm nghẽn”, mở khóa tăng trưởng bằng FDI chọn lọc

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vẫn nhìn nhận thẳng thắn rằng, sức hút FDI của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số rào cản như hạn chế về quỹ đất sạch, tiến độ giải phóng mặt bằng, cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thực sự cạnh tranh và hạ tầng kết nối chưa hoàn thiện là những “nút thắt” cần được tháo gỡ kịp thời nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác xúc tiến đầu tư.

Nhằm khơi thông các điểm nghẽn này, tỉnh đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBND phê duyệt Đề án định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030. Trọng tâm của đề án là xác định ba trụ cột phát triển kinh tế gồm: công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp hiện đại, và dịch vụ – du lịch thông minh.

Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành: năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện khí), công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng, dệt may, logistics và các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, các dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, đô thị thông minh, vật liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn (semi-conductor) và phát triển kinh tế biển cũng nằm trong nhóm được khuyến khích.

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị cho hay, một trong những bước đi chiến lược của Quảng Trị là phát triển hệ thống hạ tầng trọng điểm. Dự án cảng Mỹ Thủy, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế, dự án sân bay Quảng Trị kết nối vùng và quốc tế, cùng với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang được kỳ vọng là đòn bẩy cho sự bùng nổ đầu tư FDI thời gian tới.

“Tỉnh Quảng Trị xác định thu hút FDI không chỉ là mời gọi đầu tư mà là một tiến trình chuẩn bị bài bản từ thể chế, hạ tầng đến con người. Sự chủ động, minh bạch và đồng hành với nhà đầu tư là yếu tố sống còn, tạo lực hấp dẫn đầu tư trong bối cảnh mới”, ông Tân chia sẻ.

Quảng Trị: Đích đến mới của dòng vốn FDI chiến lược

Hội thảo xúc tiến đầu tư Quảng Trị tại Hàn Quốc

Tầm nhìn dài hạn Đích đến bền vững

Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia năm 2025 đạt tối thiểu 8%, Quảng Trị đã xác định rõ vai trò của FDI chất lượng cao là một trong những “chìa khóa” then chốt để tạo đột phá. Mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 89,7 triệu đồng trong năm 2025 là một thách thức, nhưng cũng là động lực để tỉnh hành động quyết liệt hơn nữa.

Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay, Quảng Trị đang định hướng thu hút đầu tư theo chiều sâu, sàng lọc kỹ các dự án để lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, công nghệ hiện đại và cam kết phát triển bền vững. Cách tiếp cận “chọn đúng hơn chọn nhiều” giúp Quảng Trị tránh được tình trạng “thu hút bằng mọi giá”, từ đó bảo đảm an toàn môi trường và hiệu quả dài hạn. Tỉnh cũng tích cực, thường xuyên rà soát, nâng cao trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo do Tỉnh ủy Quảng Trị thành lập trong tổ chức thực hiện các dự án động lực trên địa bàn tỉnh.

Với vị trí địa lý chiến lược nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), liền kề với Lào và kết nối thuận lợi ra biển Đông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay, Quảng Trị đang được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa của khu vực, phấn đấu trở thành một trong những địa điểm nghiên cứu đề xuất thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) khi có điều kiện. Đây là lợi thế đặc biệt mà ít địa phương nào có được.

Hơn hết, tinh thần cầu thị, chủ động và đổi mới trong cách tiếp cận đầu tư đang tạo nên hình ảnh một Quảng Trị thân thiện, trách nhiệm minh bạch, sẵn sàng trải thảm đỏ và đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất. Chính điều đó sẽ là “bệ đỡ” để tỉnh không chỉ đón đầu làn sóng FDI mới, mà còn giữ chân doanh nghiệp, nhà đầu tư lâu dài.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img