Công chúng thắc mắc vì sao ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa dễ dàng bị bẻ gãy như củi mục.

Ngai vàng triều Nguyễn khi chưa bị bẻ gãy
ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP
Hồ sơ bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn cho biết trong suốt 143 năm của triều đại, ngai vua triều Nguyễn không hề có sự thay đổi chức năng hay xê dịch vị trí, chứng kiến bao thăng trầm của ngôi vị tối cao trong triều đình Nguyễn dẫu kế vị theo truyền ngôi hay theo sự sắp đặt của đình thần. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, khu vực Hoàng thành bị thiệt hại nhiều vì bom đạn nhưng điện Thái Hòa và đặc biệt là ngai vua triều Nguyễn vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Về việc đây có phải là bản gốc của hiện vật không, PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) xác nhận: “Đây chính là bản gốc, cũng là bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn”.
Hình ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp cho thấy phần tựa tay đã bị bẻ gãy rời làm 3 phần. Trong đó, có phần đầu rồng. Thông tin cũng cho biết kẻ phá hoại đã làm gãy phần tựa tay bên trái của ngai vàng triều Nguyễn.
Không chỉ khiến nhiều người bất bình, việc phần tựa bên trái của tay ngai bị bẻ gãy dễ dàng khiến công chúng thắc mắc về chiếc ngai. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là ngai vàng thật hay không. Với chất liệu gỗ quý, tại sao ngai vàng triều Nguyễn lại dễ dàng bị bẻ gãy như thế.

Phần tay ngai bị bẻ
ẢNH: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ
Thông tin từ ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế, cho biết, ngai vàng cũng như các cổ vật đồ gỗ cung đình thời Nguyễn phần lớn được sơn son thếp vàng. Loại gỗ được sử dụng cho các cổ vật cung đình ngày xưa phổ biến là gỗ gõ (tên dân gian gỗ gụ). Gỗ gõ phân bố phổ biến ở khu vực rừng Đông Nam Á (ở nước ta hiện nay đã hiếm), gỗ quý nhóm 1, gỗ có độ bền cao, cứng chắc, chịu nước, chống mối mọt.
Ngai vàng triều Nguyễn đã mục gỗ, gãy tay từ năm 2015
Ngai vàng triều Nguyễn được công nhận bảo vật quốc gia vào đợt xét tặng năm 2015. Khi đó, bản thuyết minh về hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia có đoạn ghi về hiện trạng của ngai. “Các vị trí ghép mộng bị hở. Các ô kính tráng thủy trang trí phía dưới bệ ngai bị hư hỏng. Tay ngai bên phải bị gãy rời, đã được gia cố tạm bằng dây thép; tay ngai bên trái bị nứt, lớp sơn thếp bị bong tróc. Một số chi tiết trang trí ở lưng ngai không còn nguyên vẹn. Đế ngai bị bong lớp sơn son thếp vàng và có hiện tượng mục gỗ”, bản thuyết minh nêu.
Như vậy, có thể thấy từ cách đây 10 năm, tay ngai bên phải đã bị gãy rời, còn tay ngai bên trái đã bị nứt. Chưa kể, đế ngai đã có hiện tượng mục gỗ. Điều đáng chú ý, bản thuyết minh này không tiết lộ chiếc ngai được làm bằng gỗ gì.
Cũng theo bản thuyết minh của bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn: ngai vàng từng được trùng tu một lần dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Do khi lên làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo nên để đồng bộ, đợt này nhà vua cũng cho trùng tu lại ngai vàng.

Các vua triều Nguyễn đều gắn bó với ngai vàng này
ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP
Điều đáng nói là trong thuyết minh hiện vật, phía Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đưa ra giải pháp xử lý hiện trạng gãy, mục của ngai vàng. Đó là: vệ sinh toàn bộ ngai vàng; gia cố các mộng gỗ. Bên cạnh đó là bơm thuốc bảo quản vào các mộng gỗ và các phần gỗ đang có nguy cơ bị mục; vệ sinh thường xuyên và kiểm tra định kỳ hiện vật.
Chính vì thế, việc tay ngai vàng triều Nguyễn yếu ớt cũng sẽ là một điều mà trung tâm cần giải trình trước công luận và cơ quan quản lý nhà nước. Sự yếu ớt này là không thể tránh khỏi, hay do trung tâm chưa có biện pháp xử lý bảo tồn tích cực, thích hợp. Theo văn bản của Cục Di sản, báo cáo sẽ phải gửi về Bộ VH-TT-DL trong ngày 26.5.
Nguồn: thanhnien.vn