CHDCND Triều Tiên mới đây đã gặp sự cố khi hạ thủy một tàu khu trục mới được cho là tương tự tàu chiến mặt nước lớn nhất và hiện đại nhất của nước này.
Giới chức cũng đang đẩy mạnh cuộc điều tra về vụ tai nạn khiến tàu chiến mới bị lật, theo KCNA hôm qua. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng xưởng đóng tàu Chongjin chủ yếu sản xuất tàu chở hàng và tàu cá, và “chắc chắn thiếu chuyên môn đáng kể” trong việc hạ thủy tàu chiến lớn như chiếc tàu khu trục mới.
“Hành vi phạm tội do bất cẩn”
Vụ tai nạn nói trên đã khiến một phần của tàu khu trục 5.000 tấn mới đóng bị hư hại trong buổi lễ hạ thủy tại TP.Chongjin ở phía đông Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã theo dõi toàn bộ vụ việc, gọi đó là “hành vi phạm tội do bất cẩn”, và cảnh báo “không thể dung thứ”, theo KCNA đưa tin ngày 22.5. Ông Kim tuyên bố “những sai sót vô trách nhiệm” của những người chịu trách nhiệm sẽ bị xử lý tại một cuộc họp vào tháng tới.

Hình ảnh vệ tinh ngày 23.5 cho thấy một tàu chiến mới của Triều Tiên tại bến cảng sau vụ tai nạn
Ảnh: AFP
Một hình ảnh vệ tinh sau đó cho thấy chiếc tàu chiến nói trên nằm chìm một phần nghiêng về một bên trong lúc được che bằng bạt. Tuy nhiên, KCNA đưa tin cuộc kiểm tra dưới nước và bên trong tàu chiến đã xác nhận rằng “không giống như thông báo ban đầu, không có lỗ thủng nào ở đáy tàu chiến”, gọi mức độ thiệt hại là “không nghiêm trọng”. KCNA còn đưa tin “kế hoạch phục hồi” đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Dựa trên kích thước và quy mô, quân đội Hàn Quốc cho rằng tàu chiến mới được trang bị tương tự như tàu khu trục lớp Choe Hyon 5.000 tấn đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu quân sự Nampho của Triều Tiên vào ngày 25.4. Khi đó, Bình Nhưỡng tuyên bố tàu khu trục lớp Choe Hyon được trang bị “vũ khí mạnh nhất” và sẽ “đi vào hoạt động đầu năm sau”.
Triều Tiên hướng tới hải quân biển xanh ?
Tàu khu trục lớp Choe Hyon là tàu chiến mặt nước lớn nhất và hiện đại nhất của Triều Tiên, theo chuyên trang Naval News. Truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh tàu Choe Hyon nằm trong chương trình biến hải quân nước này thành hải quân biển xanh, thuật ngữ chỉ hải quân có khả năng hoạt động ở các vùng biển sâu và đại dương rộng lớn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã đặt ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm tăng cường đáng kể năng lực hải quân của Triều Tiên cả trên mặt nước lẫn dưới nước.

Tàu khu trục lớp Choe Hyon trong cuộc thử nghiệm vũ khí vào cuối tháng 4
Ảnh: AFP
Tàu khu trục lớp Choe Hyon được hạ thủy hơn một tháng sau khi KCNA đưa tin ông Kim đã kiểm tra dự án đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và đã xem xét “một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trang bị tên lửa dẫn đường chiến lược”. Cụm từ “một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trang bị tên lửa dẫn đường chiến lược” có thể hé lộ đó là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, thường được gọi là tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN). Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công khai việc đóng một chiếc SSBN và hình dáng của con tàu, theo Hãng tin Yonhap.
Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) trong báo cáo năm 2021, hải quân Triều Tiên có khoảng 400 tàu chiến tuần tra và 70 tàu ngầm, nhưng phần lớn trong số đó đều cũ và nhỏ. Báo cáo của DIA cho rằng hải quân Triều Tiên phần lớn sẽ bị thu hẹp thành lực lượng phòng thủ bờ biển trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Hàn Quốc hoặc Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim đã thúc đẩy hiện đại hóa hải quân Triều Tiên, theo CNN.
Triều Tiên gửi thông điệp tới Mỹ
KCNA hôm qua dẫn một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh “sự đảm bảo an ninh của lục địa Mỹ” phụ thuộc vào việc từ bỏ “những mối đe dọa quân sự và nỗ lực gây hấn” đối với các quốc gia khác. Cũng theo tuyên bố, Triều Tiên đang thực hiện “những nỗ lực bền bỉ và thiết thực” để phát triển một biện pháp răn đe chiến tranh chống lại sự bất ổn về an ninh do việc tích trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ gây ra. Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Mỹ.
Nguồn: thanhnien.vn