Thursday, May 29, 2025

Kem chống nắng nhà Đoàn Di Băng phân phối: Không thể chống nắng

Kem chống nắng Hanayuki do nhà Đoàn Di Băng phân phối bị phát hiện công bố sai chỉ số SPF. Ghi nhãn SPF 50 nhưng thực tế chỉ đạt 2,4, không đủ bảo vệ da, gây nguy cơ bỏng nắng, tổn thương da nghiêm trọng.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ngày 26.5 đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan đến mỹ phẩm do nhà Đoàn Di Băng (ca sĩ) phân phối có dấu hiệu là hàng giả đến Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền (nếu có).

Mỹ phẩm do nhà Đoàn Di Băng phân phối bị điều tra gồm 2 sản phẩm: dầu gội Hanayuki Shampoo và kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body.

Trong đó, sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (tuýp 100g, số lô 0010125, NSX: 060125, HSD: 050127) của nhà Đoàn Di Băng ghi trên nhãn có chỉ số chống nắng SPF 50, nhưng kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ số thực tế chỉ là SPF 2,4 – thấp hơn gần 21 lần so với công bố, và dưới 70% công dụng ghi trên nhãn. 

Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về ghi nhãn và công bố chất lượng sản phẩm.

Kem chống nắng nhà Đoàn Di Băng phân phối: Không thể chống nắng

Kem chống nắng do nhà Đoàn Di Băng phân phối có chỉ số bảo vệ da thấp hơn gần 21 lần so với công bố, gây nguy cơ các tổn thương về da rất cao cho người tiêu dùng ẢNH: T.L

SPF 2,4 không đủ để chống nắng: người dùng có thể bị bỏng nắng, tổn thương DNA

Hiện nay, trên thị trường không hiếm sản phẩm kem chống nắng được quảng cáo rầm rộ là có chỉ số SPF rất cao, chống tia cực tím B (UVB) hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người sau khi sử dụng các sản phẩm này vẫn bị bong tróc da, đỏ rát, thậm chí phồng rộp sau khi tiếp xúc ánh nắng – đặt ra nghi vấn về chất lượng thực tế của sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ – bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, chuyên gia da liễu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu TP.HCM, cho biết: chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là thước đo khả năng bảo vệ da khỏi UVB – tác nhân gây bỏng nắng, tổn thương DNA và là yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư da.

Theo khuyến cáo của các tổ chức uy tín như Hiệp hội Da liễu Mỹ (AAD), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Ung thư da (Skin Cancer Foundation), chỉ số SPF tối thiểu để bảo vệ da hiệu quả là 30.

Còn theo Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), các sản phẩm có SPF dưới 6 gần như không có tác dụng chống nắng, và không được phép dán nhãn là kem chống nắng.

Do đó, nếu một sản phẩm công bố SPF 50 nhưng thực chất chỉ có SPF 2,4, thì nguy cơ với người sử dụng là rất lớn. 

Người dùng tưởng rằng mình được bảo vệ khỏi khoảng 98% tia UVB, nhưng thực tế, chỉ được bảo vệ chưa tới 50%, khiến da dễ dàng bị cháy nắng, tổn thương DNA, tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt với người thường xuyên tiếp xúc ánh nắng như người lao động ngoài trời, học sinh, sinh viên.

Thị trường hiện vẫn có những sản phẩm chứa SPF rất thấp như kem dưỡng, serum, kem nền, phấn phủ, với chỉ số SPF từ 2 – 4 như kết quả kiểm nghiệm kem chống nắng của nhà Đoàn Di Băng. Tuy nhiên, vai trò của SPF trong các sản phẩm này chỉ là yếu tố phụ trợ, không phải công năng chính, nên không thể thay thế kem chống nắng chuyên dụng.

“Việc sử dụng sản phẩm công bố sai SPF, đặc biệt là thấp hơn nhiều lần so với nhãn, trong điều kiện nắng gắt, sẽ khiến người dùng bị bỏng da, đỏ rát, tổn thương mô sâu mà không hề biết nguyên nhân. Điều này rất nguy hiểm vì người dùng lầm tưởng đã được bảo vệ an toàn, và chủ quan khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời”, bác sĩ Ánh Tú khuyến cáo.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng đã đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body trên của nhà Đoàn Di Băng. 

Lý do, chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng (SPF 2,4).

Diễn biến vụ mỹ phẩm nhà Đoàn Di Băng phân phối

Như Thanh Niên đã đưa tin, Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group (trụ sở TP.HCM) do ông Nguyễn Quốc Vũ (chồng Đoàn Di Băng) là người đại diện theo pháp luật đã ký hợp đồng với Công ty CP nhà máy y tế EBC Đồng Nai (địa chỉ đường số 6, Khu công nghiệp Giang Điền, xã Giang Điền, H.Trảng Bom, Đồng Nai) để sản xuất 2 lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body.

Trong 6 chỉ tiêu cần phải kiểm cho một sản phẩm, Phòng kiểm nghiệm của Công ty CP nhà máy y tế EBC Đồng Nai chỉ thực hiện được 1 chỉ tiêu (độ đồng đều); 5 chỉ tiêu còn lại (gồm cảm quan, giới hạn Asen, chì, thủy ngân và nhiễm khuẩn, công ty ký hợp đồng kiểm nghiệm với Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị (theo hợp đồng thử nghiệm ngày 15.6.2024).

Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị (ngày 11.3.2025) đối với sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo cho thấy, chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN “đạt” và không ghi nhận chất bảo quản 2-phenoxyethanol.

Ngày 13.4.2025, Công ty CP nhà máy y tế EBC Đồng Nai đã xuất xưởng 3.840 chai dầu gội Hanayuki Shampoo và xuất kho hết cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group.

Tương tự, căn cứ kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị (ngày 11.3.2025) đối với sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, tất cả các chỉ số kiểm nghiệm đều đạt. Cùng ngày, Công ty CP nhà máy y tế EBC Đồng Nai đã xuất xưởng 1.652 hộp Hanayuki Sunscreen Body và xuất kho hết cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group.

Tuy nhiên, đến 18.3.2025, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy mẫu kiểm nghiệm 2 sản phẩm trên. Kết quả sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (công bố ngày 29.4.2025) không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN; đồng thời phát hiện chất bảo quản 2-phenoxyethanol nhưng không có ghi trong thành phần trên nhãn.

Còn kết quả kiểm nghiệm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (công bố ngày 28.4.2025) thì có chỉ số chống nắng SPF là 2,4 thấp hơn so với công bố trên nhãn.

Sau đó, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ra thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi 2 sản phẩm trên.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img