Friday, May 30, 2025

Khơi dòng vốn tư nhân đầu tư vào công nghệ cao

VTV.vn – Lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và liên tục có sự thay đổi để bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới.

Đến hết năm ngoái, Việt Nam mới có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Con số này không chỉ thấp so với số doanh nghiệp đang hoạt động, mà còn cho thấy khu vực kinh tế tư nhân hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực sản xuất và lợi thế cạnh tranh… Nghị quyết số 68 mới đây của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nhấn mạnh việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững… hiện được các doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng sẽ giúp họ mạnh dạn đầu tư vào phát triển công nghệ cao, qua đó tăng sức cạnh tranh và vươn lên trong thời gian tới.

Từ 300 triệu đồng đến khoảng vài tỷ đồng là giá thành mỗi thiết bị công nghệ cao mà doanh nghiệp cung ứng cho thị trường. Do linh kiện chủ yếu là nhập khẩu nên giá thành sản phẩm luôn ở mức cao, sức cạnh tranh vì thế cũng kém đi. Vì vậy, doanh nghiệp đã xác định, muốn gia tăng giá trị và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất công nghệ cao, chỉ có cách là mạnh dạn đầu tư nghiên cứu để chủ động hơn trong sản xuất.

Bà Phạm Thị Hương – Giám Đốc Công ty Cổ phần Chế tạo máy AutoTech Việt Nam cho biết: “Về R&D, ngay cả với doanh nghiệp như chúng tôi, hiện tại chúng tôi đã có tiềm lực hơn, nhưng việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển, mục tiêu để nâng cao hiệu quả của sản xuất, hiệu quả kinh doanh và hiệu suất của sản xuất”.

Khơi dòng vốn tư nhân đầu tư vào công nghệ cao - Ảnh 1.

Dự toán ngân sách Nhà nước sẽ điều chỉnh, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và liên tục có sự thay đổi để bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới. Vì thế, ngoài việc các doanh nghiệp phải tự nỗ lực chuyển mình, cũng cần có cơ chế mở rộng và tạo thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này.

Ông Phùng Duy Phong – Giám đốc Kỹ thuật Công ty HB Tech Vina, Bắc Ninh chia sẻ: “Chúng tôi rất kỳ vọng sự đổi mới này trong chính sách, nếu được như thế thì rất hy vọng chính sách sẽ tạo ra những nguồn vốn, những quỹ hỗ trợ tốt hơn, có thể ưu đãi từ 30 đến 50% so với mặt bằng thị trường, tạo điều kiện cho các công ty nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực máy móc, công nghệ cao nói chung có đủ điều kiện trưởng thành và đủ sức để lớn mạnh trên thị trường”.

Ngoài ra, để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang gấp rút hoàn thiện cơ chế, chính sách theo sát thực tiễn nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: “Các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sẽ được khấu trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh để khấu trừ thuế, thậm chí còn được thưởng thêm, 1 đồng nghiên cứu sẽ được tính thành 2 đồng khi khấu trừ vào chi phí. Ngoài ra cũng sẽ kèm theo cơ chế vốn mồi để hỗ trợ, để chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp”.

Năm nay, theo kế hoạch, dự toán ngân sách Nhà nước cũng sẽ điều chỉnh, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Với sự hỗ trợ này, sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng thêm nguồn vốn, nâng cao được năng lực và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img