Nếu người dân đã đăng ký thường trú ở tỉnh, thành thì vẫn có thể đăng ký tạm trú ở TP.HCM hoặc bất cứ đâu, miễn là có nơi ở hợp pháp và cư trú thực tế một địa chỉ cụ thể từ 30 ngày trở lên.

Người dân đã đăng ký thường trú ở tỉnh có thể đăng ký tạm trú ở TP.HCM- ẢNH: TRẦN KHA
Theo luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc người dân có hộ khẩu ở tỉnh, thành không phải TP.HCM hoàn toàn có thể đăng ký tạm trú ở TP.HCM. Bởi việc đăng ký tạm trú không phụ thuộc vào việc có hộ khẩu ở TP.HCM hay không, mà chỉ phụ thuộc vào việc người đó sinh sống tại một địa chỉ cụ thể ở TP.HCM từ 30 ngày trở lên.
“Mỗi người dân có thể đăng ký 1 nơi thường trú và đăng ký thêm nơi tạm trú và phải đủ điều kiện đăng ký. Đó là theo điều 27 luật Cư trú, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Ngoài thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần”, luật sư Lượng cho biết.
Luật sư Lượng lưu ý rằng, mỗi công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại điều 23 luật Cư trú.
Cụ thể, điều 23 quy định về địa điểm không được đăng ký thường trú mới gồm:
- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, với quy định trên, luật sư Lượng nhấn mạnh, người dân chỉ cần đủ điều kiện là có thể đăng ký tạm trú ở TP.HCM.
Hình thức thực hiện có thể là trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng VNeID, trực tiếp tại công an phường, xã là chỗ ở tạm trú thực tế. Thời hạn giải quyết là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đã đăng ký thường trú thì thủ tục đăng ký tạm trú ở TP.HCM thế nào?
Về quy trình đăng ký tạm trú cho người dân đã có thường trú tại một địa chỉ khác, Bộ Công an cho biết, người dân phải thực hiện 5 bước, gồm:
- Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật: tờ khai thay đổi thông tin cư trú mẫu CT01, giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
- Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại công an cấp xã.
- Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ: Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04) cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05) cho người đăng ký.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (mẫu CT06) cho người đăng ký.
- Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.
- Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).
Luật sư Hoàng Tư Lượng nói thêm, nếu công dân không thực hiện đăng ký tạm trú khi đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên, có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nguồn: thanhnien.vn