Tuesday, July 1, 2025

Hồ Biểu Chánh và nửa thế kỷ đam mê tiểu thuyết

“Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng giống như tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách. Hai nhà văn đều lấy luân lý làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trung hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời…”.

“Tuy nhiên, họ Hoàng thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị, cầu kỳ; còn họ Hồ thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, giản dị…” (Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, 1959).

Xuất thân nghèo khó

Hồ Biểu Chánh tên thật Hồ Văn Trung, sinh năm 1885, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công cũ. Năm lên 9, ông bắt đầu học chữ nho ở trường làng. Khi gia đình dời đến chợ giồng Ông Huê, ông mới học chữ quốc ngữ. Năm học 1902 -1903, ông được học bổng của Trường trung học Mỹ Tho rồi Trường Chasseloup-Laubat Sài Gòn. Năm 1905, ông thi bằng Thành chung và đậu hạng nhì.

Hồ Biểu Chánh và nửa thế kỷ đam mê tiểu thuyết

Nhà văn Hồ Biểu Chánh trên bìa tạp chí Văn, 1967 ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG chụp lại

Tự thuật về quãng đời nghèo khó, Hồ Biểu Chánh viết: “Còn 2 bữa nữa tới ngày phải đi, mẹ than hết tiền, cha mới đi kiếm người mượn tiền… Bữa chót, đến tối mà cũng chưa thấy cha về. Thiệt khuya, mẹ gói một cặp áo hàng, đi bộ xuống chợ mà cầm, được 3 đồng. Mẹ xếp giấy bỏ túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Lúc tàu mở dây mà chạy, đứng ngó mẹ trên cầu tàu, ta chảy nước mắt…” (Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, 1974).

Sau khi đậu bằng Thành chung, Hồ Biểu Chánh định xin dạy học, nhưng người thầy cũ khuyên ông nên thi vào ngạch ký lục. Năm 1906, ông thi đậu ký lục Soái phủ Nam kỳ và làm việc ở Dinh Thượng thơ tại Sài Gòn. Đến năm 1911, do bị nghi ngờ thân thiện với nhóm Trần Chánh Chiếu nên ông bị đổi xuống Bạc Liêu. Thời bấy giờ, làm ký lục rất dễ kiếm tiền “vì Tòa bố Bạc Liêu không khác nào chợ bán chè cháo, tiền trao cháo múc”, nhưng ông vẫn giữ được cảnh đời thanh bạch.

Năm 1936, ông được thăng Đốc phủ sứ rồi xin hồi hưu vì làm công chức đã 30 năm. Viện lẽ không có người thay thế, chính quyền thuộc địa lưu dụng ông đến giữa năm 1941.

Mấy ai làm được

Hồ Biểu Chánh có 9 người con. Con trưởng là Hồ Văn Kỳ Trân, quản lý tờ Nam Kỳ tuần báoĐại Việt tập chí. Hồ Văn Kỳ Thoại là cháu đích tôn. Năm 1958, khi ông mất, thi sĩ Đông Hồ cùng nữ sĩ Mộng Tuyết đến viếng và đọc câu đối toàn tên sách của ông: “Cay đắng mùi đời, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa, vì tình, Tỉnh mộng mấy Ai làm được/Cang thường nặng gánh, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt giả, giả thiệt, Dứt tình còn Ở theo thời“.

Hồ Biểu Chánh và nửa thế kỷ đam mê tiểu thuyết

Một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Năm 1909, ông có tác phẩm đầu tiên là tiểu thuyết U tình lục, theo thể lục bát. Khi đổi xuống Cà Mau năm 1912, do cảnh trí nơi đây chất phác, u nhàn, với những rừng đước, rừng tràm, với nước mặn chát và muỗi ồ ào… đã hun đúc cho ông tâm hồn văn sĩ và ông đã viết được cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên: Ai làm được, kể chuyện Cà Mau và coi Cà Mau là cố hương.

Theo tác giả Nguyễn Khuê, từ U tình lục (1909) đến Hy sinh (1958) Hồ Biểu Chánh đã say mê với cây bút trong suốt nửa thế kỷ. Tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại: truyện dài, truyện ngắn, văn vần, hài kịch, hát bội, cải lương, khảo cứu, thi ca, tùy bút, dịch thuật và ký ức về cuộc đời ông. Chỉ riêng tiểu thuyết có 64 cuốn.

Trong thời gian làm việc tại Long Xuyên, Hồ Biểu Chánh hợp tác với các ông Lê Quang Liêm, Đặng Thúc Liêng… xuất bản tờ Đại Việt tập chí, số đầu tiên ra tháng 1.1918. Đây được xem là bước đầu làm báo của ông. Theo tác giả Huỳnh Văn Tòng (Lịch sử báo chí Việt Nam, 1973) thì Đại Việt tập chí đình bản tháng 7.1918, tức là chỉ ra được 7 số, dù đã giữ một địa vị quan trọng trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở miền Nam trong giai đoạn này.

Hồ Biểu Chánh và nửa thế kỷ đam mê tiểu thuyết

Một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Sau khi đã hồi hưu, Hồ Biểu Chánh lại đứng ra xuất bản tờ Nam Kỳ tuần báo Đại Việt tập chí. Nam Kỳ tuần báo phát hành thứ năm hằng tuần, số đầu tiên ra ngày 3.9.1942 với nhiều chuyên mục: nghị luận, khảo cứu, phê bình, dịch thuật, tiểu thuyết, tin tức trong nước và thế giới… Nhưng đến tháng 6.1944 thì báo đình bản sau khi ra được 85 số, nguyên nhân được cho là giấy in báo bấy giờ bị khan hiếm, do đang chiến tranh thế giới thứ 2.

Trên tạp chí Văn (15.4.1967), nhà văn Bình Nguyên Lộc viết: “Hồ Biểu Chánh là một biến cố trong văn học sử VN, riêng về miền Nam, về hình thức, hành văn. Những tiểu thuyết mà ta đọc trước Hồ Biểu Chánh là lối văn kêu mà rỗng. Đại khái như: “chiều chiều trên trời chim kêu chíu chít, dưới sông cá lội vởn vơ, Lâm Trí Viễn tay cầm nhựt báo, tay xách ba toong, rảo bước trên đường Vet Don để đón người tình nhơn mà trao lời tâm sự”. Tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu còn mùi mẫn hơn nhiều, viết toàn bằng văn biền ngẫu từ trang đầu đến trang cuối, câu dưới đối nhau chan chát với câu trên…

Hồ Biểu Chánh hay vì ông ấy chỉ viết theo ý nghĩ của một người thường. Lần đầu tiên độc giả thấy hình ảnh một con chó phèn nằm thè lưỡi nơi hàng hiên của nếp nhà tranh, được nghe tiếng nhạc nhái dưới các ruộng sâu vào buổi chiều, toàn là những hình ảnh quen thuộc mà sao rất mới lạ”. Về nội dung, đa số tiểu thuyết của ông là tròn trịa, trung được thưởng, nịnh bị trừ, oán trả, ơn đền…

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img