Bất chấp những tranh cãi về rủi ro lạm phát trong nước gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực các nền kinh tế khác phải đạt thỏa thuận thương mại với Washington.
Gia tăng áp lực
Theo đó, nếu đến thời hạn trên, nền kinh tế nào chưa đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, nước này sẽ áp dụng mức thuế đối ứng mà ông Trump đã công bố. Phát biểu trên chương trình “Sunday Morning Futures” của kênh Fox News, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định: “Chúng tôi sẽ xem xét cách một quốc gia đối xử với chúng tôi – họ có tốt không, hay không tốt lắm, một số quốc gia chúng tôi không quan tâm, chúng tôi sẽ chỉ gửi một con số (mức thuế – NV) cao”.

Ông Trump công bố thuế đối ứng vào ngày 2.4 Ảnh: AP
Thông báo trên cho thấy có sự thay đổi đáng kể so với trước đó. Vì chỉ mới ngày 27.6, phát biểu với báo giới thì ông Trump vẫn còn tỏ vẻ “nới lỏng” khi chia sẻ rằng rất khó khăn để thực hiện các thỏa thuận riêng biệt với mỗi quốc gia. Và Nhà Trắng đặt mục tiêu đạt được 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày.
Tổng thống Mỹ đang gây áp lực về đàm phán thương mại với nhiều nước, thậm chí với cả đồng minh. Theo Reuters, ông Trump ngày 27.6 đột ngột hủy đàm phán thương mại với Canada vì chính sách thuế dịch vụ kỹ thuật của nước này nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ. Vị chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích đó là một “cuộc tấn công trắng trợn” và ông sẽ thiết lập mức thuế mới đối với hàng hóa Canada ngay trong những ngày tới. Đến ngày 29.6, chỉ vài giờ trước khi thuế dịch vụ kỹ thuật số được áp dụng, Canada đã hủy bỏ chính sách này để tìm cách nối lại đàm phán thương mại với Mỹ.
Tương tự, Mỹ cũng đang căng thẳng với Nhật Bản xoay quanh đàm phán thương mại mà trong đó Washington nối cả một số điều khoản liên quan chính sách quốc phòng. Cụ thể, Mỹ đưa ra yêu cầu Nhật Bản phải tăng ngân sách quốc phòng lên mức 3,5% GDP như một điều khoản trong đàm phán thương mại. Trong khi đó, hồi tháng 5 thì 2 bên đã thống nhất tỷ lệ này là 3%.
Một trường hợp khác là Ấn Độ khi từng được cho là sắp đạt thỏa thuận, nhưng đàm phán thương mại Washington – New Delhi đã gặp trở ngại vì bất đồng về thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, thép và hàng nông nghiệp. Theo Reuters ngày 26.6 dẫn nguồn tin từ các quan chức Ấn Độ tiết lộ, thực tế vừa nêu dập tắt hy vọng đạt được thỏa thuận trước thời hạn áp thuế đối ứng vào ngày 9.7.
Còn với Trung Quốc, chủ nhân Nhà Trắng mới đây thông báo hai bên đã đạt thỏa thuận thương mại nhưng không nêu rõ chi tiết. Liên quan vấn đề này, Tổng thống Trump ngày 11.6 tiết lộ trên mạng xã hội Truth Social rằng Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế 55%, đồng thời không dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào Mỹ. Ngược lại, hàng hóa Mỹ chỉ bị Trung Quốc đánh thuế 10%.
Tranh cãi về nỗi lo lạm phát
Trong khi đó, dư luận Mỹ đang lo ngại chính sách thuế của ông Trump có thể khiến hàng hóa tăng giá, dẫn đến lạm phát tăng cao. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng tháng 5 tăng với tốc độ hằng năm là 2,4%, mức này thấp hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế. Điều này giúp cho Tổng thống Trump và những người ủng hộ dẫn ra như một minh chứng cho rằng chính sách thuế không gây ảnh hưởng đến lạm phát.
Tuy nhiên, Đài CBS dẫn lời một số nhà kinh tế cho rằng dữ liệu lạm phát chưa cao trong ngắn hạn là vì nhiều công ty Mỹ đã có biện pháp bù đắp tác động của thuế quan, chẳng hạn như đặt hàng trước nhiều hơn trong thời gian “ân hạn” chưa áp thuế đối ứng, tận dụng các lỗ hổng để trì hoãn hoặc giảm thanh toán thuế. Và cho đến nay, số hàng hóa nhập trước để đối phó với thuế vẫn chưa được bán hết, nên hàng hóa được bán ra trên thị trường Mỹ chưa phải chịu thuế cao.
“Nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo và hiểu biết trong việc sử dụng các phương tiện khác nhau để hạ nhiệt trong ngắn hạn giá cả”, CBS dẫn lời kinh tế gia trưởng Gregory Daco của Công ty EY-Parthenon chuyên về kiểm toán.
Các nhà phân tích cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa có thể tiếp tục không tăng cao trong dài hạn, nhất là khi chính sách thuế được áp dụng đầy đủ.
Thượng viện Mỹ tranh luận căng thẳng về siêu dự luật
Thượng viện Mỹ đã hoãn việc bắt đầu bỏ phiếu một siêu dự luật chứa các ưu tiên chính sách về thuế, chi tiêu và nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho đến sáng 30.6 (giờ Mỹ), theo báo The Hill. Nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuyển trở lại Hạ viện để bỏ phiếu cho những điểm đã thay đổi tại Thượng viện. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa hy vọng dự luật sẽ được chuyển đến ông Trump vào ngày 4.7 để ký ban hành thành luật.
Dự luật đã vượt qua một rào cản thủ tục một cách sít sao vào đêm 28.6. Sau đó, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tìm cách hoãn cuộc tranh luận bằng cách yêu cầu các thư ký Thượng viện đọc toàn bộ dự luật, dài tới 940 trang. Việc đọc toàn bộ dự luật kéo dài tới 16 giờ đồng hồ. Thượng viện sau đó lại trải qua cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài nhiều giờ, theo tờ The New York Times.
Theo CNN, các nhóm chính trị và kinh doanh đã chi ít nhất 35 triệu USD cho hàng chục quảng cáo về siêu dự luật nói trên.
Văn Khoa
Nguồn: thanhnien.vn