Việc doanh nghiệp Trung Quốc có thể sớm tăng tốc đầu tư ra nước ngoài được xem là cuộc viễn chinh chiến lược để hỗ trợ kinh tế nước này giữa nhiều khó khăn.
Cuộc viễn chinh kinh tế
Cụ thể, trong năm nay, Trung Quốc đã giới thiệu “Kế hoạch hành động xây dựng con đường tơ lụa nền tảng số” và “Hướng dẫn về đầu tư xanh ở nước ngoài”, cung cấp tài trợ cho các công ty đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng đám mây, trí tuệ nhân tạo ở thị trường mới nổi, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty đầu tư vào nhiều dự án xanh. Các chính sách này được mở rộng từ khung hỗ trợ hiện có như chương trình “Going Global” (tạm dịch: phát triển ra thế giới) và sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI).
Chính phủ Trung Quốc cũng đã đơn giản hóa thủ tục phê duyệt cho các khoản đầu tư ở nước ngoài. Ví dụ, nước này với nền tảng dịch vụ công toàn cầu giúp các công ty dễ dàng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc cũng đã tăng cường hợp tác với các nước Trung Á và châu Phi để thành lập “Trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư Trung Quốc – Á Âu” để cung cấp dịch vụ phê duyệt một cửa và thí điểm dịch vụ chuỗi cung ứng miễn thuế ở các quốc gia như Kenya.

Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức Ảnh: Reuters
Kèm theo đó, Trung Quốc còn có một số hỗ trợ tài chính được chuyển qua các ngân hàng chính sách, cung cấp tài chính theo điều khoản ưu đãi. Thuộc mô hình này, từ năm
2013 – 2023, Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc đã tài trợ hơn 400 tỉ USD đối với khoản vay cho các dự án thuộc BRI. Chính phủ còn hậu thuẫn các chương trình bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro cho DN đầu tư ra nước ngoài. Điển hình, Tập đoàn bảo hiểm tín dụng và xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm đầu tư ở nước ngoài bao gồm các rủi ro chính trị và thương mại.
Theo Công ty phân tích Moody’s, các thị trường mới nổi mà DN Trung Quốc nhắm đến là Nam Á, Đông Nam Á, Mỹ La tinh và Trung Đông.
Giải quyết thách thức
Việc tăng cường đầu tư nước ngoài được đánh giá là nhằm tăng thu nhập quốc gia (GNI) và giúp bù đắp tác động kinh tế tiêu cực từ việc xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước giảm sút. Đồng thời, chiến lược “viễn chinh” còn giúp Trung Quốc tăng cường đa dạng hóa nền kinh tế nước này, cải thiện vị trí đầu tư quốc tế ròng (IIP) và tăng tài sản có sẵn để hỗ trợ tiềm năng tăng trưởng dài hạn đối với nền kinh tế đại lục.
Điều này càng có ý nghĩa khi thách thức ngày càng lớn hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại Mỹ – Trung dâng cao. Khuya 30.6, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đã nhắc lại cảnh báo cho các quốc gia khác không nên vì đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ mà đồng ý điều khoản khiến Bắc Kinh bị ảnh hưởng về kinh tế, nhất là khi hạn cuối của đàm phán thương mại với Washington đang đến gần. Theo đó, các quan chức Bắc Kinh lo ngại rằng các quốc gia từ châu Âu đến Đông Nam Á có thể tham gia vào thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm chuyển hướng chuỗi cung ứng, giảm thương mại song phương với Trung Quốc. Thậm chí, nhiều chính phủ có thể rút khỏi các dự án do Bắc Kinh dẫn đầu.
Trong khi đó, tờ Nikkei Asia đưa tin ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, dù tốc độ suy giảm có chậm hơn nhờ vào sự gia tăng đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, các đơn hàng này được cho là vốn bắt nguồn từ thỏa thuận từ cuối năm ngoái, giờ đây chỉ là thời điểm có hiệu lực. Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng công bố Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 6 đã đạt mức 49,7, tức cao hơn mức 49,5 trong tháng 5. Tuy nhiên, con số này vẫn dưới mốc 50, tức tình hình sản xuất và kinh doanh đang thu hẹp, nền kinh tế đang suy giảm.
Chính vì thế, cuộc “viễn chinh” của khối DN trong thời gian tới càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Nguồn: thanhnien.vn