Một người đàn ông 65 tuổi ở Phú Thọ vừa thoát nguy kịch nhờ được cấp cứu kịp thời sau khi sốc nhiệt ngoài đồng giữa đợt nắng nóng hơn 40 độ C.
Những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có thể vượt 40 độ C, khiến nguy cơ say nắng, say nóng và sốc nhiệt tăng cao. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho một ca sốc nhiệt điển hình.
Bệnh nhân N.T.H. (65 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) khi đang lao động ngoài đồng đã đột ngột ngất xỉu do sốc nhiệt. Sau cấp cứu ban đầu tại trung tâm y tế khu vực, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch, thân nhiệt 39 độ C.
Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, các bác sĩ đã khẩn trương hạ thân nhiệt cho người bệnh bằng phương pháp chườm ấm, truyền dịch, duy trì thở máy và ổn định huyết động. Sau 6 giờ điều trị tích cực, người bệnh cải thiện: hạ sốt, tiểu được, dừng thuốc vận mạch và hiện đã xuất viện an toàn.
ThS.BS Nguyễn Đức Lịch cho biết, sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao (≥ 40 độ C) và cơ chế tự làm mát không còn hoạt động hiệu quả. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc nhiệt có thể gây lú lẫn, hôn mê, tổn thương đa cơ quan và thậm chí tử vong.
Khi gặp người bị sốc nhiệt, việc quan trọng nhất là làm mát ngay: di chuyển người bệnh đến nơi mát, cởi bớt quần áo, chườm nước mát hoặc dùng túi đá tại cổ, nách, bẹn và gọi cấp cứu. Người dân tuyệt đối không được chủ quan vì chậm xử trí có thể dẫn đến tổn thương não, đa phủ tạng không hồi phục.
Để phòng sốc nhiệt, mỗi người cần tránh làm việc, lao động ngoài trời trong thời gian nắng gắt. Mặc quần áo sáng màu, rộng, đội mũ, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, theo dõi sát sức khỏe, đặc biệt người cao tuổi và trẻ nhỏ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, choáng váng, nóng đỏ da, cần ngừng hoạt động và đến ngay cơ sở y tế.