TP Huế ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong; ngành y tế khuyến cáo tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế, hiện thành phố đã ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, trong đó 1 trường hợp đã tử vong, các ca còn lại đang được điều trị và giám sát chặt. Ngành y tế địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, tuyên truyền phòng ngừa để hạn chế lây lan và giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Streptococcus suis lây từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn mắc bệnh. Người mắc bệnh thường xuất hiện hai thể nguy hiểm: viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn. Thể viêm màng não có thể dẫn đến giảm thính lực, điếc không hồi phục. Thể sốc nhiễm khuẩn thường diễn tiến nhanh, phát ban xuất huyết lan tỏa, rối loạn đông máu nội mạch, suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong từ 5%–20%.
Nguồn lây chủ yếu là lợn mắc bệnh, chết hoặc mang vi khuẩn. Vi khuẩn cư trú nhiều nhất ở hô hấp trên, hạch hầu họng của lợn và có thể lan vào máu, các phủ tạng khi lợn phát bệnh. Người dễ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, giết mổ, tiêu thụ thịt, phủ tạng chưa nấu chín, ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái sống không đảm bảo vệ sinh.
Thời gian ủ bệnh: Thường khoảng 2 ngày (có thể dao động từ 3 giờ đến 14 ngày). Cho tới nay chưa ghi nhận lây truyền liên cầu lợn từ người sang người.
Khuyến cáo phòng bệnh:
– Không giết mổ hay tiêu thụ thịt, phủ tạng từ lợn mắc bệnh hoặc lợn chết. Không ăn tiết canh, thịt lợn tái sống hoặc các món chưa được nấu chín kỹ.
– Chỉ mua thịt lợn đã được kiểm dịch thú y, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
– Khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần mang găng tay, ủng, kính bảo hộ, tuyệt đối rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc. Nếu có vết thương hở, cần băng kín trước khi làm việc.
– Dụng cụ chế biến, đồ dùng chăm sóc lợn phải được làm sạch bằng xà phòng, khử khuẩn ngay sau khi sử dụng.
– Chuồng trại chăn nuôi cần được vệ sinh thường xuyên, thoáng khí, phun khử trùng định kỳ bằng cloramin B 2% hoặc các dung dịch tiêu độc khác.
– Khi phát hiện lợn ốm, chết, sẩy thai bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y để xử lý, tránh lây lan dịch bệnh.
– Người từng tiếp xúc lợn bệnh, ăn thịt không đảm bảo vệ sinh nếu xuất hiện sốt cao đột ngột cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.