Hai người đàn ông khỏe mạnh, đang trong độ tuổi lao động, hiện phải chiến đấu giành lại sự sống từng giờ tại Đơn vị Hồi sức tích cực – Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai do mắc sởi biến chứng nặng.
Bệnh nhân thứ nhất, 35 tuổi, nhập viện ngày 29/6 với triệu chứng sốt phát ban, sau đó nhanh chóng rơi vào suy hô hấp nặng. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sởi biến chứng viêm phổi nặng, kèm theo viêm cơ tim, suy tim cấp và viêm gan B mạn tính. Hiện người bệnh đang phải thở máy, an thần sâu, điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh và truyền miễn dịch tĩnh mạch (IVIG). Viêm cơ tim do sởi là một biến chứng hiếm gặp, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp và tiên lượng hạn chế.
Tương tự, bệnh nhân thứ hai, 45 tuổi, nhập viện ngày 30/6 trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân được xác định mắc sởi kèm viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp. Hiện tại, người bệnh cũng phải thở máy qua nội khí quản, được điều trị hồi sức tích cực với tiên lượng rất nặng.
ThS.BSNT Lê Thanh Đạt, Viện Y học Nhiệt đới, bác sĩ điều trị chính cho biết điểm chung của cả hai bệnh nhân là đều không rõ tiền sử tiêm vaccine sởi, không xác định được nguồn lây, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mạn tính nặng nề.
Sởi vốn là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng có thể chỉ là sốt, ho, phát ban, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sởi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Những người chưa có miễn dịch, hệ miễn dịch suy giảm hoặc có bệnh nền sẽ càng dễ gặp biến chứng nặng.
Điều đáng lo ngại là hiện nay không ít người lớn không nhớ rõ mình đã từng tiêm vaccine phòng sởi hay chưa, hoặc chủ quan nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế điều trị cho thấy người trưởng thành hoàn toàn có thể mắc sởi và diễn tiến bệnh rất phức tạp nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Theo các chuyên gia, tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Hai liều vaccine sởi – mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi – có thể bảo vệ đến 97% người được tiêm. Với người lớn chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, hoàn toàn có thể chủ động tiêm bổ sung để phòng bệnh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ca sởi ở người lớn biến chứng nặng, trong đó có cả phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh nền. Một số trường hợp biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, tăng men gan, nếu không được điều trị hồi sức tích cực kịp thời có thể tử vong. Tiêm vaccine phòng sởi vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng.”
Sởi không còn là bệnh “của riêng trẻ em”. Mỗi người cần kiểm tra lại lịch tiêm chủng của bản thân và người thân, đặc biệt với phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc những ai thường xuyên làm việc ở môi trường đông người, sống trong vùng có dịch. Chủ động tiêm bổ sung sớm là lá chắn sống để không phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng.