Saturday, July 12, 2025

Các nước thu nhập thấp sắp được tiếp cận thuốc phòng HIV mới


Một bước tiến quan trọng trong phòng ngừa HIV vừa được công bố, theo đó các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sắp được tiếp cận đồng thời với một loại thuốc ngừa HIV mới.

Thỏa thuận được ký kết giữa công ty dược phẩm Gilead của Mỹ và Quỹ toàn cầu sẽ giúp các nước thu nhập thấp được tiếp cận với thuốc phòng ngừa HIV mang tính đột phá. Tập đoàn dược phẩm Gilead và Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét vừa hoàn tất thỏa thuận cung cấp thuốc tiêm ngừa HIV lenacapavir cho tối đa 2 triệu người trong vòng ba năm tới, tại các nước do Quỹ hỗ trợ – chủ yếu là ở châu Phi hạ Sahara.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một sản phẩm phòng ngừa HIV được giới thiệu tại những nước thu nhập thấp và trung bình cùng lúc với các nước thu nhập cao” – Quỹ toàn cầu cho biết.

Thuốc ngăn ngừa lây truyền HIV – được gọi là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (hoặc PrEP) – đã tồn tại trong hơn 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, vì thuốc này thường được chỉ định uống 1 viên mỗi ngày nên chúng vẫn chưa tác động đáng kể đến các ca nhiễm trùng toàn cầu.

Ngược lại, thuốc lenacapavir (tên thương mại là Yeztugo) chỉ cần tiêm hai lần mỗi năm và đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hồi tháng 6. Các thử nghiệm cho thấy thuốc có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới 99,9% ở người lớn và thanh thiếu niên.

Theo thỏa thuận, các quốc gia được Quỹ toàn cầu hỗ trợ có thể tiếp cận lenacapavir để điều trị PrEP. Quỹ Toàn cầu khẳng định lô thuốc đầu tiên sẽ được chuyển đến ít nhất một quốc gia châu Phi vào cuối năm nay.

Quỹ toàn cầu cho biết sự kiện này đánh dấu khởi đầu của một sự thay đổi trong cách thức cung cấp dịch vụ phòng ngừa HIV cho những nước có nguy cơ lây nhiễm mới cao nhất.

Vấn đề này đặc biệt cấp thiết ở các quốc gia như Nam Phi – nơi trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV. “Đây là bước ngoặt đối với Nam Phi. Lenacapavir cung cấp cho phụ nữ trẻ và những người có nguy cơ một giải pháp kín đáo, có tác dụng lâu dài để duy trì tình trạng không nhiễm HIV” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi nhận định.


PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img