Vết thương nhỏ ở ngón chân không lành suốt một tháng đã giúp phát hiện bệnh đái tháo đường type 2 tiềm ẩn ở nam bệnh nhân 54 tuổi.
Bệnh viện 22-12 (Khánh Hòa) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T., sinh năm 1970, đến khám vì tổn thương lâu lành ở ngón I bàn chân trái kéo dài suốt một tháng. Dù đã thay băng và điều trị tại cơ sở y tế tuyến dưới, vết thương không cải thiện, thậm chí có dấu hiệu nhiễm trùng nặng như sưng nề, tiết dịch và mùi hôi.
Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị đứt bán phần gân gấp ngón I, mô mềm quanh vùng tổn thương phù nề và có dịch trong bao hoạt dịch. Trước diễn tiến vết thương chậm lành, các bác sĩ chỉ định làm thêm xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy chỉ số đường huyết tăng cao bất thường, HbA1c vượt ngưỡng, từ đó chẩn đoán bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 – nguyên nhân chính khiến vết thương không liền.
Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ tiến hành kiểm soát đường huyết bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Khi đường huyết đạt ngưỡng an toàn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lần 1, cắt lọc mô hoại tử và bảo tồn tối đa gân gấp để duy trì chức năng vận động.
Sau 8 ngày chăm sóc tích cực, mô hạt lên tốt, phản ứng viêm giảm rõ rệt, bệnh nhân tiếp tục được mổ lần 2 để đóng vết thương. Kết quả điều trị thuận lợi, bệnh nhân được xuất viện với chức năng vận động ổn định.
ThS.BS Nguyễn Văn Tâm, người trực tiếp điều trị cho biết: “Nhiều bệnh nhân đến viện vì vết thương nhỏ nhưng qua đó mới phát hiện mắc đái tháo đường. Đây là bệnh lý diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây biến chứng nghiêm trọng tại chi nếu không kiểm soát tốt.”
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần kiểm tra đường huyết định kỳ, đặc biệt ở người trên 40 tuổi, thừa cân, ít vận động hoặc có tiền sử gia đình. Không chủ quan với các vết thương bàn chân lâu lành.
Khi có dấu hiệu loét, sưng, đau – cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.