Ung thư da phổ biến và đang tăng nhanh trong khoảng 50 năm qua. Nhưng sự quan tâm đúng mức và cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo lại chưa thực sự được nhiều người hiểu rõ.
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu, là lý do tại sao ung thư da thường xuất hiện ở mặt, da đầu, tai, cổ, ngực trên và bàn tay. Nhưng ung thư da cũng có thể phát triển ở những vùng không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bao gồm lòng bàn tay, lòng bàn chân, bộ phận sinh dục, mông, mí mắt, vùng da dưới móng tay và bên trong miệng hoặc mũi.
Các yếu tố di truyền, tình trạng suy giảm miễn dịch (đặc biệt là ở những người đã ghép tạng) và tình trạng viêm mãn tính đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ung thư da có thể phát triển ở những vùng da đã từng bị tổn thương, chẳng hạn như vết thương hở hoặc sẹo, ngay cả khi không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra việc tiếp xúc với một số loại hóa chất nhất định trong công việc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.
*Cách phòng ngừa ung thư da cơ bản:
Do mối liên hệ giữa ung thư da và việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, điều quan trọng là phải sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên hàng ngày quanh năm. Khi ra ngoài trời, hãy thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ và đảm bảo thoa đủ lượng.
Khi ở ngoài trời trong thời gian dài, nên mặc quần áo bảo hộ UPF, bao gồm mũ rộng vành và kính râm có khả năng chặn ít nhất 99% tia UVA và UVB.
Việc kiểm tra các thông tin về chỉ số UV hàng ngày, được tích hợp trong các ứng dụng thời tiết trên điện thoại thông minh, cũng rất hữu ích.
Duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc. Chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và cung cấp đủ nước sẽ giúp làn da của bạn luôn khỏe mạnh.
*Cách phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn về ung thư da:
Bí quyết là tự kiểm tra da hàng tháng, cố gắng kiểm tra da toàn bộ cơ thể, bao gồm cả lưng, da đầu và vùng sinh dục. Và đừng quên kiểm tra móng tay và lòng bàn chân.
Nhìn chung, nên đi khám bác sĩ da liễu mỗi năm một lần để kiểm tra da toàn thân. Sau đó, bác sĩ có thể sinh thiết bất kỳ dấu hiệu bất thường nào và gửi đến phòng xét nghiệm để chẩn đoán hoặc loại trừ ung thư. Điều quan trọng là phát hiện sớm bất kỳ đốm bất thường nào, bất kể chúng xuất hiện ở đâu.
*Những ai nên khám sàng lọc ung thư da:
– Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư da
– Mật độ nốt ruồi cao hoặc nốt ruồi bất thường
– Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao
– Thay đổi các tổn thương da (về màu sắc, kích thước, hình dạng hoặc kết cấu) hoặc các tổn thương da có triệu chứng (những tổn thương gây đau, ngứa, đóng vảy, loét, dễ chảy máu hoặc không lành).