Sau khi “dính” lỗi phạt nguội, nhiều tài xế đã có hành vi gian dối, mượn bằng lái người khác để nộp phạt. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi khó phạt đúng người, đúng lỗi.
Nhiều tài xế hiện nay sống bằng nghề “ôm vô-lăng”, coi giấy phép lái xe (GPLX) là “cần câu cơm” để mưu sinh. Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168), có nhiều lỗi vi phạm bị xử phạt nguội, ngoài đóng phạt hành chính và trừ điểm GPLX, tài xế còn bị tước bằng lái trong thời gian nhất định.

Nhiều tài xế mượn GPLX người khác để “thế thân” đóng phạt nguội
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, kế sinh nhai của tài xế. Do đó không ít trường hợp tìm cách lách luật bằng việc thuê, mượn bằng lái của người khác để nộp phạt, nhằm giữ lại bằng lái của chính mình để tiếp tục sử dụng.
Hành vi này tạo ra hệ lụy không nhỏ. Việc mượn bằng lái để đóng phạt nguội đồng nghĩa với việc cố tình để người khác đứng tên gánh trách nhiệm vi phạm. Khi đó, cơ quan chức năng có thể xử phạt không đúng người, đúng lỗi.
Thuê, mượn bằng lái người khác để đóng phạt nguội bị xử lý ra sao?
Về mặt pháp lý, hiện nay chỉ có chế tài xử lý đối với hành vi cho người khác sử dụng bằng lái của mình theo quy định tại khoản 24, điều 4, Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT.
Chi tiết về quy định này, GPLX sẽ bị thu hồi nếu rơi vào các trường hợp như: người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe; người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình; cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện; có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký; thông qua khám sức khỏe phát hiện trong cơ thể người lái xe có chất ma túy.

Người dân có thể kiểm tra số điểm bằng lái xe trên ứng dụng VNeID
ẢNH: CHÍ TÂM
Trong các trường hợp trên, quy định tại điểm b, khoản 16, điều 33 của Thông tư này cũng nêu rõ hành vi để cho người khác thuê, mượn bằng lái xe của mình cũng sẽ bị xử nghiêm. Theo đó người cho thuê mượn sẽ bị thu hồi GPLX và phải đăng ký thi sát hạch lại sau 1 năm, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực.
Theo luật sư Trần Thị Như Mai – Công ty Luật TNHH Trọng Êm và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP.HCM), để đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với trường hợp “Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình” nên xem xét việc phạt thêm tiền bên cạnh thu hồi GPLX. Có chế tài xử lý “mạnh tay” sẽ giúp người cho thuê/mượn GPLX ý thức được trách nhiệm và hậu quả pháp lý của hành vi này.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là hiện tại chưa có chế tài xử phạt cụ thể đối với người đi thuê/mượn giấy phép lái xe của người khác để đóng phạt nguội. Trường hợp này chỉ có thể bị xử lý về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” – theo điều 341, Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2019 nếu như có căn cứ xác định GPLX đó là giả.
Nguồn: thanhnien.vn