Hà Nội đặt mục tiêu hạn chế xe máy xăng từ 2026, nhưng để chuyển đổi xanh thành công, cần lộ trình rõ ràng và giải pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân.
Chuyển đổi phương tiện xanh tại Hà Nội không chỉ là mục tiêu môi trường, mà còn là bài toán về hạ tầng, sinh kế và khả năng thích nghi của người dân. (Ảnh minh họa)
Tại Hà Nội hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện gắn bó chặt chẽ với sinh kế và nhu cầu di chuyển hàng ngày của hàng triệu người. Đó không chỉ là công cụ đi lại, mà còn là phương tiện mưu sinh của người lao động, tiểu thương, tài xế công nghệ hay người làm dịch vụ tự do. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi sang phương tiện xanh không thể chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà còn liên quan đến an sinh xã hội, năng lực chi trả và khả năng tiếp cận hạ tầng mới.
Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế và thương mại quốc tế, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là một quyết định thể hiện rõ tinh thần khẩn trương và quyết liệt, phù hợp với xu thế toàn cầu về phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng với quy mô phương tiện lớn như ở Hà Nội, nếu thiếu chuẩn bị, việc chuyển đổi có thể gây ra xáo trộn lớn trong đời sống người dân. Những tác động này cần được dự báo sớm, có giải pháp đi kèm và truyền thông rõ ràng.
Trên thực tế, không ít người dân vẫn còn băn khoăn về mức độ sẵn sàng của hệ thống hạ tầng phục vụ xe điện, đặc biệt là xe máy điện. Mặc dù đã có một số hãng cung cấp trạm đổi pin hoặc điểm sạc, nhưng phần lớn vẫn tập trung ở khu vực trung tâm thương mại hoặc đại lý xe lớn. Tại các khu dân cư, nơi người dân sinh sống và sử dụng xe hằng ngày, việc tìm được điểm sạc thuận tiện vẫn là thách thức. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, nguy cơ gây phiền toái hoặc phát sinh thêm chi phí cho người dân là rất rõ.
Mở rộng mạng lưới trạm đổi pin là điều cần thiết để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện một cách thuận tiện và bền vững. (Ảnh minh họa)
Cùng với đó là bài toán kết nối hạ tầng giao thông xanh. Để người dân có thể đi lại thuận tiện khi không còn dùng xe cá nhân, mạng lưới phương tiện công cộng cần đủ tốt, phủ đều và hoạt động hiệu quả. Từ metro, xe buýt điện cho đến các điểm trung chuyển, gửi xe… đều phải được quy hoạch tổng thể và đầu tư đồng bộ. Việc xây dựng hạ tầng trước rồi mới giới hạn phương tiện là cách làm phù hợp, giúp người dân có thời gian thích nghi và chuyển đổi tự nhiên hơn.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, điều quan trọng là công bố lộ trình rõ ràng theo từng giai đoạn, cập nhật liên tục và dễ hiểu cho người dân. Ví dụ, cần truyền thông cụ thể về khu vực Vành đai 1, nhóm phương tiện nào được phép lưu thông, những trường hợp nào được ưu tiên và cách thức xử lý trong các tình huống đặc biệt. Mỗi người dân đều cần được trang bị thông tin đầy đủ để chủ động thay đổi, thay vì bị động phản ứng.
Một điểm khác cũng cần lưu tâm là hệ thống chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Việc khuyến khích sử dụng xe máy điện hoặc xe điện giá rẻ, các khoản hỗ trợ đổi xe, miễn giảm lệ phí hoặc ưu đãi thuế sẽ là động lực thiết thực để người dân chuyển đổi. Với những nhóm dễ bị tổn thương như người thu nhập thấp, người lao động tự do hay sinh viên, hỗ trợ không chỉ là cần thiết, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của chính sách.
Ngoài ra, công tác thống kê và đánh giá tác động cần được triển khai nghiêm túc. Bao nhiêu phương tiện đang hoạt động trong khu vực nội đô? Lưu lượng di chuyển trung bình ra sao? Có bao nhiêu hộ dân đang sống dựa vào phương tiện cá nhân? Tất cả những con số này cần được công bố đầy đủ, làm cơ sở cho hoạch định chính sách. Như ông Lạng đề xuất, nếu có đánh giá đầy đủ và lộ trình triển khai cẩn trọng, chính sách hạn chế phương tiện chạy xăng sẽ có khả năng thực hiện lên tới 80–90%.
Không thể phủ nhận rằng Hà Nội đang đi đúng hướng khi đặt mục tiêu chuyển đổi phương tiện để bảo vệ môi trường và chất lượng sống đô thị. Tuy nhiên, thành công của chính sách không chỉ nằm ở mục tiêu, mà nằm ở cách thức triển khai. Một chính sách xanh, để bền vững, phải có tính nhân văn, tính thực tiễn và khả năng bao quát được mọi nhóm dân cư. Một đô thị xanh – sạch – văn minh không chỉ hình thành từ những mục tiêu lớn, mà bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhưng thiết thực trong hành vi và lựa chọn của mỗi người dân.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn