Lãnh đạo TP.Hà Nội cho biết, khi chuyển đổi phương tiện, thành phố sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm sạc cho xe sử dụng điện, thậm chí còn thực hiện đầu tư công để kiện toàn hệ thống trạm sạc phù hợp.

Hà Nội sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và thực hiện đầu tư công để kiện toàn hệ thống trạm sạc xe điện cho phù hợp
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Theo ông Tuấn, tình trạng ô nhiễm môi trường của thủ đô hiện nay hết sức cấp bách, đe dọa trực tiếp tới môi trường, chất lượng sống, sức khỏe của nhân dân. Riêng về ô nhiễm môi trường không khí thì thực sự là thách thức vô cùng lớn.
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là từ các phương tiện giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu).
Cụ thể, 56,1% ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ khoảng 7 triệu xe máy chưa được kiểm soát khí thải, 800.000 ô tô chạy bằng xăng dầu, cùng với bụi đường do ma sát từ lốp xe. Riêng trong khu vực Vành đai 1, số lượng xe máy lên tới 450.000, còn dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.
Chính vì thế, Chỉ thị 20 của Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp, những nhiệm vụ, chỉ đạo, chỉ tiêu có liên quan đến việc không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1.7.2026.
Đến ngày 1.1.2028, trong Vành đai 1 không sử dụng mô tô, xe máy xăng và hạn chế ô tô trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, xét các điều kiện này để phát triển tiếp tới Vành đai 3.
Liên quan nội dung trên, thành phố sẽ nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho nhân dân, đặc biệt là người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1.
Cạnh đó, Hà Nội sẽ có những biện pháp kêu gọi doanh nghiệp đưa ra chế độ ưu đãi nhất để chuyển đổi phương tiện, hỗ trợ vào giá thành, chính sách ưu đãi liên quan đến lệ phí trước bạ, đăng ký phương tiện…
“UBND TP.Hà Nội cũng sẽ trình HĐND thành phố các nghị quyết chuyên đề xử lý các vấn đề này. Chúng tôi dự kiến vào tháng 9 sẽ trình theo đúng lộ trình mà Chỉ thị 20 yêu cầu”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, khi chuyển đổi phương tiện, trước mắt là ở trong Vành đai 1 với dấu mốc từ ngày 1.7.2026 thì rất cần có sự hỗ trợ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt trạm sạc cho các xe sử dụng điện.
“Chúng tôi sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật này, thậm chí còn làm nhiệm vụ đầu tư công của thành phố để kiện toàn hệ thống trạm sạc phù hợp, song song với việc bảo đảm an toàn. Có trường hợp chúng ta kiểm soát không phù hợp các trạm sạc, sẽ tạo nguy cơ mất an toàn cho các đối tượng sử dụng xe này”, ông Tuấn cho hay.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khi cấm xe máy chạy xăng dầu, theo ông Tuấn, thời gian tới, Hà Nội sẽ cố gắng nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trước mắt cho Vành đai 1 lên gấp đôi so với tỷ lệ chung của thành phố. Vận tải hành khách công cộng càng tăng cao thì càng kiểm soát được phương tiện cá nhân.
“Tình trạng ô nhiễm môi trường thủ đô hiện nay hết sức cấp bách. Vì một môi trường sống xanh, sạch, đồng thời để nâng cao chất lượng môi trường sống, đặc biệt là sức khỏe của người dân thì chúng ta phải chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực thực hiện lộ trình đã được đặt ra”, ông Tuấn nói.
Nguồn: thanhnien.vn