Nhiều thành phố trên thế giới đã có các chính sách quyết liệt, để xanh hóa phương tiện di chuyển. Việt Nam nên tham khảo để có những giải pháp hiệu quả.
Từ năm 2002, thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã bắt đầu siết chặt việc đăng ký xe máy xăng. Nếu người dân nào vẫn muốn sử dụng xe máy xăng, họ buộc phải bỏ một số tiền lớn để chi trả cho việc cấp biển số và giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, Chính quyền thành phố Nam Ninh đã có các chính sách khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện. Đến nay, xe máy điện đã trở thành phương tiện di chuyển thuận tiện với chi phí thấp của đa số người dân tại đây. Hiện, số lượng xe máy điện tại Nam Ninh đã vượt 5 triệu chiếc, chiếm khoảng 40% tổng số phương tiện giao thông của thành phố.
Xe máy tại một ngã tư ở TP Hồ Chí Minh.
Tại nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc xe máy xăng cũng bị hạn chế bằng các giải pháp kinh tế và hành chính. Chẳng hạn như: áp mức phí cấp biển số của xe máy xăng cao, lên tới từ 300.000- 400.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 42.000-56.000 USD); giới hạn thời gian sử dụng tính từ khi cấp biển; áp niên hạn với xe máy xăng không được lưu hành sau 13 năm…Những chính sách này đã khiến người dân không còn hào hứng với xe máy xăng nữa.
Song song với đó là khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển sang xe máy điện. Hầu hết xe máy điện tại Trung Quốc được thiết kế để người sử dụng không cần phải thi lấy giấy phép lái xe. Miễn giảm các loại thuế phí, trợ cấp cho người dân khi mua xe máy điện, cùng với đó là thực hiện những chương trình đổi xe máy xăng lấy xe máy điện quy mô lớn và thúc đẩy phát triển hạ tầng trạm sạc…Những chính sách này đã giúp hơn 70% người dân chuyển đổi sang xe máy điện. Hiên Trung Quốc là thị trường xe máy điện lớn nhất thế giới với khoảng 500 triệu xe. Ngành công nghiệp và hệ sinh thái xe máy điện Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, không chỉ giảm ô nhiễm không khí, ô nhiễm âm thanh mà còn giảm nhu cầu về dầu thô.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia đã ban hành những chính sách khuyến khích chuyển đổi sang giao thông xanh. Từ đầu năm 2023, Indonesia đã hỗ trợ gần 500 USD cho người dân khi mua xe máy điện. Chính phủ cũng chi trả 320 USD chi phí cho việc hoán đổi một chiếc xe máy từ động cơ đốt trong sang động cơ điện. Chính phủ Thái Lan đã trợ cấp 500 USD cho người dân mua xe máy điện có giá bán dưới 4.500 USD.
Chính quyền thành phố Delhi (Ấn Độ) đã đưa ra các chính sách quyết liệt, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo đó, đến tháng 8/2026, toàn bộ xe hai bánh sử dụng xăng, dầu đều bị cấm đăng ký.
Delhi là thủ đô của Ấn Độ nơi có mật độ dân cư đông đúc, với hàng triệu phương tiện gaio thông lưu thông mỗi ngày. Delhi hiện là thành phố bị ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới. Phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính ở Delhi.
Các chuyên gia đánh giá, với chính sách cấm đăng ký xe hai bánh sử dụng xăng, dầu là một bước tiến quan trọng, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh cho thành phố. Lệnh cấm đăng ký xe hai bánh sử dụng xăng, dầu của chính quyền thành phố Delhi, theo nhận định sẽ tạo ra một tiền lệ mạnh mẽ trên toàn quốc, để các thành phố khác noi theo.
Đảo ngược tình trạng ô nhiễm
Hà Nội và tp Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng có mật độ cư dân đông đúc, với xe máy 2 bánh sử dụng xăng là phương tiện giao thông chính. Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân tp Hà Nội, tính đến cuối năm 2024 toàn thành phố có 7 triệu xe máy đăng ký và khoảng 1,2 triệu xe máy từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng của xe máy bình quân khoảng 3%/ năm. Còn theo Ủy ban Nhân dân tp Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2024 toàn thành phố có khoảng 8,5 triệu xe máy đăng ký và khoảng 1,5 triệu – 2 triệu xe máy từ các địa phương khác tham gia giao thông trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng bình quân của xe máy hơn 4%/năm.
Xe máy tại Việt Nam ra đường cứ thoải mái xả khói.
Hiện xe máy tại Việt Nam vẫn chưa phải kiểm định khí thải, tham gia lưu thông trên đường, muốn xả khói bao nhiêu cũng được. Trong khi đó, 2 đô thị lớn này vẫn chưa có giải pháp nào hạn chế xe máy xăng và khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, do chỉ sử dụng công nghệ trung bình nên xe máy luôn có lượng phát thải khí độc hại cao, thậm chí cao hơn cả những chiếc ô tô đời mới. Nếu coi xe máy là những “trạm phát thải di động”, thì Việt Nam hiện có hàng chục triệu “trạm phát thải di động” hoạt động mỗi ngày trên khắp cả nước, đặc biệt với mật độ dày đặc tập trung tại các thành phố lớn.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông cần được ưu tiên. Giải pháp gốc rễ để “đảo ngược” tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ tại Việt Nam là xanh hóa hàng triệu phương tiện di chuyển.
Nhiều thành phố trên thế giới từng là tâm điểm ô nhiễm không khí nhưng nay đã cải thiện dần, nhờ các chính sách quyết liệt. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện và hạn chế phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu, TS Tùng nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn