Doanh số bán hàng qua mạng thời gian qua đã giảm mạnh, không còn quảng cáo lố và các KOLs mặc sức tung hoành, các sàn thương mại điện tử cũng đang dần đi vào khuôn khổ.

Người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu và cẩn trọng hơn sau chiến dịch truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng
ẢNH: T.N
Hơn một tháng nay, anh Lê Hồng Tú, 40 tuổi, CEO một công ty đào tạo Anh ngữ tại TP.HCM cho biết đã tạm ngừng sử dụng thực phẩm chức năng tăng cường protein vì lo lắng vấn đề hàng giả. “Tôi thường xuyên chơi thể thao, tập thể hình nên rất cần bổ sung thêm năng lượng và các vi chất. Trước đây tôi thường dùng thực phẩm chức năng mua của người quen xách tay từ Mỹ, nhưng gần đây tôi tạm ngừng sử dụng vì hoang mang với vấn đề hàng giả và xuất xứ nguồn gốc”, anh Lê Hồng Tú bộc bạch.
Cùng nỗi lo lắng trên, chị Lê Thùy Trang, chủ một cụm sân pickleball tại P.Cát Lái (TP.HCM) băn khoăn: “Tôi thường xuyên mua sắm thiết bị thể thao qua mạng hoặc các sàn thương mại điện tử, nhưng gần đây tôi cũng không dám mua sắm nhiều như trước vì sợ mua nhầm hàng giả. Thực tế, tôi đã mua nhầm rất nhiều sản phẩm như vợt pickleball, giày thể thao nhái nhãn hiệu nên hiện nay cảm thấy chán nản, đôi lúc muốn mua sắm nhưng không biết tìm mua ở đâu”.
Theo thống kê sơ bộ của SwiftHub, một đơn vị vận chuyển chuyên hỗ trợ các shop kinh doanh online, tình hình tăng phí của các sàn thương mại điện tử, chiến dịch truy quét hàng giả và quy định tuân thủ truy xuất hóa đơn, khai báo thuế trong thời gian gần đây đã có những ảnh hưởng nhất định đến các chủ shop và người tiêu dùng. Lượng đơn hàng giảm khoảng 40% do hình thức bán hàng qua mạng không còn quảng cáo lố như trước, các shop chuyên bán hàng fake cũng thụt vòi lại. Về phía người tiêu dùng thì cũng cảm thấy bất an nên cũng giảm dần thói quen mua sắm vô tội vạ.
Metric, một đơn vị chuyên nghiên cứu, phân tích các sàn thương mại điện tử cũng cho biết tình hình kinh doanh qua các sàn phổ biến hiện nay như Shopee, TikTok, Lazada… đang có dấu hiệu giảm mạnh. Mặc dù chưa có số liệu báo cáo chính thức nhưng sơ bộ cũng đã ghi nhận các tín hiệu giảm nhiệt từ khi các sàn tăng thuế phí, quy định đăng ký kê khai nộp thuế và tình hình trấn áp hàng giả trên cả nước.
Sức mua cuối năm như thế nào?

Nhiều mặt hàng thiết yếu dự báo sẽ tăng giá do ảnh hưởng từ các yếu tố thời tiết, bất ổn chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam
ẢNH: NVCC
Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra vi phạm thương mại điện tử, hàng giả, hàng lậu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 11.568 vụ, xử lý 9.919 vụ vi phạm, thu về 266 tỉ đồng từ xử lý vi phạm hành chính; trong đó, phạt tiền 121 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỉ đồng đồng thời đã chuyển 76 vụ có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.
Riêng trong tháng cao điểm phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng QLTT đã kiểm tra 3.891 vụ, xử lý 3.114 vụ, tổng số tiền xử lý hơn 63 tỉ đồng, có 26 vụ chuyển cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổ điều hành thị trường trong nước cũng dự báo, thời gian tới, nhiều yếu tố trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa. Cụ thể: Căng thẳng chính trị tại Trung Đông, châu Á, châu Âu, đặc biệt ở các khu vực sản xuất nhiên liệu, năng lượng mà Việt Nam đang nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đầu vào và mặt bằng giá trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu, tạo áp lực tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng như thiên tai, dịch bệnh những tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là bão và dịch bệnh trên vật nuôi khi thời tiết chuyển mùa; người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn sau loạt vụ hàng kém chất lượng bị xử lý gần đây. Thị trường lao động cũng có nhiều biến động do tinh giản bộ máy, tác động của công nghệ và trí tuệ nhân tạo khiến người lao động lo ngại về việc làm, thu nhập, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên nhu cầu thiết yếu.
Ở chiều ngược lại cũng có các yếu tố tích cực như vốn đầu tư công sẽ được giải ngân mạnh vào cuối năm, nhất là sau khi các địa phương ổn định tổ chức sau sáp nhập, góp phần thúc đẩy nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và nhân công. Các yếu tố trên sẽ tác động đến cung cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm 2025. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, vẫn sẽ được bảo đảm. Giá cả một số mặt hàng dù có tăng nhưng trong giới hạn kiểm soát.
Nguồn: thanhnien.vn