Wednesday, July 16, 2025

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Lan toả hệ sinh thái tuần hoàn

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – thị trường trong việc phát triển ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

LTS: Việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm tạo “cú hích” cho lĩnh vực này.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Lan toả hệ sinh thái tuần hoàn

Phát triển ngành lúa gạo theo hướng tuần hoàn, bền vững, là giải pháp cốt lõi để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, chi phí đầu vào tăng cao và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu quốc tế, phát triển ngành lúa gạo theo hướng tuần hoàn, bền vững, xanh là con đường tất yếu. Đây cũng giải pháp cốt lõi để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, đảm bảo sinh kế cho nông dân và đáp ứng nhu cầu lương thực trong tương lai.

Yêu cầu tất yếu

Trong ngành lúa gạo đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu mang lại hiệu quả tích cực như mô hình sản xuất lúa, cá, vịt ở đồng bằng sông Cửu Long giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và kiểm soát sâu bệnh sinh học. Ngoài ra, mô hình thu gom rơm rạ trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ, làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch đang thực hiện tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung; một số hợp tác xã ở Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp đã ứng dụng canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh và tái tạo phụ phẩm sau thu hoạch, hướng đến tiêu chuẩn gạo sạch, gạo hữu cơ.

Trong quá trình đó, mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ đã được xây dựng giúp giảm chi phí, kiểm soát chất lượng, minh bạch truy xuất nguồn gốc vì những yếu tố này ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào toàn bộ quy trình sản xuất (chế biến sâu, bảo quản…), nhất là công nghệ số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý dữ liệu nông trại vừa tối ưu chi phí, giảm phát thải khí nhà kính vừa phát triển các dòng sản phẩm cao cấp từ gạo như gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bánh, sữa gạo, mỹ phẩm… thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô.

Chuỗi giá trị tuần hoàn

Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, xác định rõ vai trò không chỉ là nhà cung cấp giống mà là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tuần hoàn ngành lúa gạo, ThaiBinh Seed đang từng bước hình thành một hệ sinh thái tuần hoàn thực chất, bền vững thông qua các hoạt động cụ thể. Đó là chọn tạo và cung ứng các giống lúa chất lượng cao, có khả năng thích ứng với canh tác xanh, ít phân, ít thuốc, phù hợp với sản xuất hữu cơ và thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn, đầu tư hệ thống chế biến phụ phẩm, ứng dụng công nghệ số vào quản lý vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản trị chuỗi nâng cao tính minh bạch và khả năng cạnh tranh; sản xuất lúa bền vững.

Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi đề xuất xây dựng một chương trình quốc gia phát triển ngành hàng lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và nông dân. Bên cạnh đó, ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống lúa phù hợp với sản xuất tuần hoàn như giống ngắn ngày, chống chịu tốt, giảm phát thải, sử dụng ít tài nguyên và có khả năng tạo giá trị từ phụ phẩm.

Các cơ quan chức năng hỗ trợ tín dụng, hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp và hợp tác xã trong thu gom, xử lý, tái tạo phụ phẩm từ sản xuất lúa; xây dựng các mô hình chuỗi khép kín từ giống – sản xuất – chế biến – phụ phẩm – tiêu thụ – tái tạo tài nguyên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quy hoạch vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, và các chương trình xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img