Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều 16/7 tại Hà Nội.
Nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa đạt tiêu chí về năng suất, chất lượng gạo và còn có khả năng phát thải thấp tại Viện Lúa ĐBSCL .
Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có hệ sinh thái chính sách đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – nhà khoa học – nhà đầu tư.
Thiếu chính sách khuyến khích
Nông nghiệp Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn phát triển kinh tế tuần hoàn. Thực hiện định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua đã có một số tổ chức, doanh nghiệp và người dân áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Các mô hình này vừa tối ưu hoá các quy trình sản xuất, tạo ra các dòng sản phẩm nông sản sạch và an toàn, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất đại trà vừa “giảm chi phí thất thoát, giảm phát thải”, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn gặp những tồn tại và khó khăn.
Đó là, thiếu cơ chế, chính sách riêng cho mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện đầu tư công nghệ tái chế, xử lý chất thải và khó khăn tiếp cận vốn. Trong khi đó, việc thiếu liên kết vùng và chuỗi giá trị khiến doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình vào sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng tuần hoàn.
Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đổi mới quản lý và sản xuất nhưng chúng ta đang sử dụng những công cụ quản lý cũ cho các mô hình, các giải pháp và cách làm mới. Đổi mới sáng tạo phải được hiểu là thay cái cũ đã lạc hậu không còn phù hợp bằng các giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, những giải pháp này lại chưa được một số quy định hiện hành thừa nhận, vô hình chung đã tạo rào cản cho đổi mới sáng tạo, không khuyến khích được các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mạnh dạn ứng dụng được những cách làm mới, giải pháp mới.
Lộ trình khả thi
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng lộ trình, ban hành các cơ chế cụ thể và khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi mô hình, đầu tư đổi mới sáng tạo theo hướng tuần hoàn. Trong đó, có 6 nhóm giải pháp chính sách cần tập trung.
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh cho doanh nghiệp đầu tư vào mô hình nông nghiệp tuần hoàn (xử lý phụ phẩm, tái chế chất thải, năng lượng sinh học…); thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tuần hoàn.
Thứ hai, chính sách ưu đãi thuế và đất đai, cụ thể là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất sạch, tuần hoàn; ưu tiên cấp đất, thuê đất cho doanh nghiệp triển khai các mô hình tuần hoàn kết hợp (chăn nuôi, trồng trọt, năng lượng).
Thứ ba, đầu tư phát triển hạ tầng (cấp nước, xử lý chất thải, logistics… tại các vùng sản xuất tập trung) và hình thành cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ theo mô hình tuần hoàn.
Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý, ban hành bộ tiêu chí quốc gia về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; đồng thời chuẩn hóa quy trình, nhãn sinh thái, truy xuất nguồn gốc tuần hoàn để tăng năng lực xuất khẩu.
Thứ năm, hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm ứng dụng các giải pháp và tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết chuỗi sản xuất tuần hoàn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch, bảo quản chế biến nhằm tạo ra quy trình khép kín, tích hợp đa giá trị cho đến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp sản xuất tuần hoàn theo các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước phục vụ xuất khẩu…
Cuối cùng, chính sách hỗ trợ mô hình thử nghiệm, đổi mới sáng tạo ở khu vực kinh tế hộ trên nguyên tắc tiền đăng hậu kiểm; có tổng kết, đánh giá, các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khi áp dụng các giải pháp mới trong quá trình xử lý chất thải tái chế, tái sử dụng. Chú trọng chương trình khuyến nông trong cơ sở, chuyển giao các công nghệ phát triển tuần hoàn như công nghệ tái chế, sử dụng hiệu quả các phụ phẩm ngành sản xuất lúa gạo (rơm, rạ, vỏ trấu…) để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như phân bón hữu cơ vi sinh, thức ăn chăn nuôi, giá thể nấm, đệm lót sinh học…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn