Giữa TP.HCM, Lăng Ông Bà Chiểu ở phường Gia Định vẫn lưu giữ kiến trúc cung đình Huế, nơi an nghỉ gần 200 năm của danh tướng Lê Văn Duyệt.
Công trình được xây dựng năm 1848, là nơi an nghỉ của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), vị Tổng trấn thành Gia Định, và cũng là một trong những di tích cổ nhất còn tồn tại ở TP.HCM.
Công trình được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tần, từng được xem là một trong những biểu tượng của Sài Gòn – Gia Định. Công trình này sánh cùng tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ (biểu tượng của Huế) và chùa Một Cột (biểu tượng của Hà Nội).

Toàn cảnh Lăng Ông Bà Chiểu nhìn từ trên cao, nổi bật giữa khu dân cư phường Gia Định, với kiến trúc cung đình Huế hài hòa giữa lòng TP.HCM
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Kiến trúc cung đình Huế giữa lòng TP.HCM
Lăng tọa lạc trên khu đất rộng 18.500 m2, được bao quanh bởi cây xanh và xây trên gò đất cao hình lưng rùa, được xem là thế đất “đắc địa”.
Lăng có 4 cổng, trong đó nổi bật nhất là cổng Tam quan trên đường Vũ Tùng. Cổng mang kiến trúc truyền thống với mái ngói men xanh uốn cong, tường sơn màu vàng rực rỡ, phía trên khắc nổi 3 chữ Hán “Thượng Công miếu”.

Kiểu mái chồng mái (trùng thiềm) phổ biến của miếu thờ nhà Nguyễn
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Từ cổng chính, một trục kiến trúc chạy thẳng xuyên suốt toàn khu, dẫn qua 3 lớp không gian chính: nhà bia – khu mộ – miếu thờ. Tất cả được bố trí đăng đối, mang vẻ tôn nghiêm, cổ kính gợi nhớ phong cách cung đình Huế.
Các hạng mục chính đều được dựng bằng gỗ quý, mái lợp ngói ống men xanh (thanh lưu ly), trên mái trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt (đây là kiểu kiến trúc quen thuộc trong kiến trúc hoàng cung – PV).
Những bức phù điêu sành sứ đắp nổi họa tiết tứ quý, long phụng, được sắp xếp khéo léo và giàu tính nghệ thuật, phản ánh ảnh hưởng rõ nét từ kỹ thuật trang trí thời Nguyễn.
Chi tiết phù điêu bằng sành sứ và mảnh thủy tinh tại Lăng Ông, mang đậm dấu ấn nghệ thuật cung đình Huế
ẢNH: NGỌC DƯƠNG – UYỂN NHI
Tiến vào sâu bên trong là khu mộ phần của Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phẫn, đặt cạnh nhau trên nền cao hình dáng mai rùa, phía trước có bình phong và tường hoa bao quanh.
Khu miếu thờ nằm ở cuối trục kiến trúc, gồm 3 gian: tiền điện – trung điện – chánh điện, mỗi gian được ngăn cách bằng khoảng sân lộ thiên nhỏ, tạo độ thoáng và phân chia nghi lễ rõ ràng.
Chính giữa chánh điện là tượng đồng Tả quân cao 2,65 m, nặng 3 tấn. Đây không chỉ là biểu tượng tâm linh mà còn là tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc biệt.

Không gian chánh điện bên trong Lăng Ông Bà Chiểu, nổi bật với sắc đỏ – vàng đặc trưng
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo tài liệu lịch sử, Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những danh tướng kiệt xuất dưới triều Gia Long – Minh Mạng, nổi tiếng với tư tưởng khoáng đạt, trọng dụng người tài và chấp nhận sự đa dạng văn hóa. Ông từng góp công lớn trong việc bảo vệ quyền lợi lưu dân.
Sau khi mất, từng có giai đoạn ông bị kết tội và cấm thờ. Mãi đến năm 1849, vua Tự Đức ban chiếu minh oan, cho phục hồi danh dự và cho phép trùng tu lăng, lập miếu thờ.
Cổng Tam quan Lăng Ông Bà Chiểu (trái) với mái ngói men xanh đặc trưng kiến trúc cung đình Huế, xây dựng từ năm 1949
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Từ đó đến nay, việc thờ cúng Tả quân được chính thức hóa và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch hằng năm. Đây là một trong những sự kiện văn hóa – tín ngưỡng đặc trưng của Sài Gòn – Gia Định xưa cho đến ngày nay.
Giữa lòng TP.HCM hiện đại, Lăng Ông Bà Chiểu lặng lẽ giữ lại nét trầm mặc của kiến trúc cung đình Huế như một “góc xưa” còn sót lại, gợi nhớ Sài Gòn – Gia Định gần 200 năm trước.
Nguồn: thanhnien.vn