Hai chương trình khoa học quốc tế vừa khai mạc tại Trung tâm ICISE nhằm mở rộng cánh cửa tri thức cho sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 15 – 25.7, chương trình quy tụ hơn 30 học viên đến từ 8 quốc gia, gồm Việt Nam, Nhật Bản, Mông Cổ, Ấn Độ, Anh, Malaysia, Croatia và Trung Quốc.

Các học viên và giảng viên tham dự VSON9 tại Trung tâm ICISE
ẢNH: ICISE
VSON9 có sự tham gia giảng dạy của nhiều nhà vật lý hàng đầu trong lĩnh vực neutrino từ Nhật Bản, như: GS Tsuyoshi Nakaya (ĐH Kyoto, Chủ tịch Hội Vật lý năng lượng cao Nhật Bản), GS Yuichi Oyama (Viện KEK), GS Atsumu Suzuki (ĐH Kobe), PGS-TS Makoto Miura (ĐH Tokyo), TS Trần Văn Ngọc (ĐH Kyoto) và PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Vân (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), TS Cao Văn Sơn (Trung tâm ICISE)…
Trong khuôn khổ chương trình, học viên được cung cấp kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về vật lý hạt và vật lý neutrino, một trong những lĩnh vực mũi nhọn của vật lý hiện đại. Các nội dung gồm: mô hình chuẩn của các hạt cơ bản, dao động neutrino, phân rã beta không neutrino, neutrino từ siêu tân tinh, mặt trời, thiên văn năng lượng cao và từ các lò phản ứng hạt nhân…
Học viên còn được tiếp cận với các thí nghiệm nổi bật như Super-Kamiokande, T2K, Hyper-Kamiokande và kỹ thuật phát hiện neutrino tiên tiến. Đặc biệt, chương trình chú trọng kỹ năng thực hành, như mô phỏng tương tác neutrino, phân tích dữ liệu thực tế từ các máy dò quốc tế, vận hành hệ đo tia vũ trụ tại chính Trung tâm ICISE.

Sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam và các nước tham dự VSON9
ẢNH: ICISE
Theo ban tổ chức, mục tiêu cốt lõi của VSON là tạo điều kiện để sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tiếp cận khoa học quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý neutrino còn non trẻ tại Việt Nam. Trường học này được tổ chức hằng năm từ năm 2017 với sự hỗ trợ chuyên môn từ các nhà khoa học Nhật Bản, góp phần hình thành một cộng đồng nghiên cứu vững chắc, nơi nhiều học viên cũ đã trở thành nghiên cứu sinh, tiến sĩ, thành viên nhóm nghiên cứu quốc tế.
Trước đó, ngày 14.7, Trung tâm ICISE cũng khai mạc Trường hè SAGI 2025 (3S25), diễn ra trong hai tuần, từ ngày 13 – 25.7, thu hút gần 40 học viên từ 5 quốc gia. Đây là năm thứ ba Trường hè được tổ chức với mục tiêu đào tạo thực hành chuyên sâu về phát triển thiết bị trong vật lý thiên văn.
Chương trình giảng dạy năm nay tập trung vào các chuyên đề thực tế: quang học, điện tử, đo lường, điều khiển thiết bị khoa học và lập trình kỹ thuật. Đội ngũ giảng viên gồm các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín như Caltech, NASA/JPL, CEA Saclay (Pháp), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Việt – Đức…

TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA) giảng dạy tại Trường hè SAGI 2025
ẢNH: ICISE
Không chỉ giảng dạy kiến thức, Trường hè SAGI hướng đến mục tiêu lớn hơn: hình thành một môi trường học thuật cởi mở, thực tiễn, nơi học viên rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật, tư duy phản biện và làm việc nhóm…
Đây là hoạt động thường niên của Nhóm Vật lý Thiên văn – SAGI, trực thuộc Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE, thuộc ICISE), với sự đồng hành của Quỹ Simons (Hoa Kỳ) và nhiều nhà khoa học gốc Việt như TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA), GS Hoàng Chí Thiêm (Hàn Quốc), TS Nguyễn Lương Quang (Pháp)…
Nguồn: thanhnien.vn