Sau sáp nhập, phường Thạnh Mỹ Tây (thuộc quận Bình Thạnh cũ) có Landmark 81, ga metro, phố Nhật Bản, ‘con đường ẩm thực sinh viên’…
Phường Thạnh Mỹ Tây được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 phường: 19, 22 và 25 của quận Bình Thạnh cũ. Sau sắp xếp, phường mới có diện tích 4,4 km2 và quy mô dân số 153.216 người.

Sau sáp nhập quận Bình Thạnh cũ, từ 15 phường giảm còn 5 phường: Gia Định, Bình Thạnh, Thạnh Mỹ Tây, Bình Lợi Trung và Bình Quới
ĐỒ HỌA: UYỂN NHI
Sáp nhập Thạnh Mỹ Tây, tên gọi có từ khi nào?
Theo Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức, vùng đất quận Bình Thạnh (cũ) từng thuộc về 5 thôn cổ: Bình Hòa, Bình Lợi Trung, Thanh Đa, Phú Mỹ và Bình Quới Tây; đều nằm trong tổng Bình Trị, huyện Bình Dương (phủ Tân Bình, trấn Phiên An).
Sau năm 1975, 2 xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây (thuộc quận Gò Vấp cũ, tỉnh Gia Định) được nâng cấp lên thành quận riêng. Đến tháng 6.1976, 2 quận này sáp nhập lại, hình thành nên quận Bình Thạnh cũ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư lý giải, “Thạnh” nghĩa là phồn thịnh, “Mỹ” là tốt đẹp, cái tên được đặt với mong muốn nơi đây luôn phát triển phồn thịnh và tốt đẹp.

Tuyến metro số 1 đoạn qua ga Tân Cảng, phường Thạnh Mỹ Tây với tòa nhà Landmark 81 nổi bật phía sau, biểu tượng hiện đại của TP.HCM
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trước đây, địa danh Thạnh Mỹ bao phủ vùng đất rộng lớn nằm 2 bên bờ sông Sài Gòn. Về sau, khi việc khai phá ngày một mở rộng, người ta chia tách thành Thạnh Mỹ Lợi (thuộc TP.Thủ Đức cũ) và phần còn lại nằm phía tây, gọi là Thạnh Mỹ Tây.
Ông Lê Trần Kiên, Bí thư Đảng ủy phường Thạnh Mỹ Tây chia sẻ, sự sáp nhập phường không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi sự nỗ lực, đổi mới, đoàn kết và quyết tâm cao từ toàn thể hệ thống chính trị và người dân.
Thực hiện chủ trương của Trung ương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP.HCM có 168 phường, xã và đặc khu Côn Đảo. Các phường, xã sáp nhập mới hoạt động từ ngày 1.7. Cùng với đó, cấp hành chính quận, huyện cũng kết thúc hoạt động.
Báo Thanh Niên điểm lại những phường, xã mới mang tính đặc trưng, biểu tượng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – TP.HCM, những tên gọi đã in sâu vào ký ức nhiều thế hệ thị dân.
Những góc phố đặc sắc của Thạnh Mỹ Tây
Một chiều giữa tháng 7, sau 2 tuần khi TP.HCM chính thức vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi lân la các con đường để khám phá diện mạo mới của phường Thạnh Mỹ Tây.
Xuất phát từ trung tâm thành phố, men theo trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, hình bóng tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam sừng sững trong mây. Đó là tòa nhà Landmark 81 cao 461 mét, trở thành biểu tượng không thể nhầm lẫn khi nhắc đến khu vực này.

Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam, biểu tượng hiện đại nổi bật của phường Thạnh Mỹ Tây
ẢNH: NHẬT THỊNH
Đến phường Thạnh Mỹ Tây, chúng tôi không khỏi ấn tượng với những bảng hiệu song ngữ Việt – Nhật. Phường mới còn có một “Nhật Bản thu nhỏ” nằm nép mình ở đường Phạm Viết Chánh.
Không rực rỡ ánh đèn, nhạc xập xình như phố Bùi Viện hay “Little Tokyo” ở khu Thái Văn Lung – Lê Thánh Tôn (phường Sài Gòn, quận 1 cũ), phố Nhật ở đây mang nét trầm lắng, ấm cúng và đầy tinh tế.
Nằm ẩn sau các chung cư, quán Nhật trong khu này hiện lên với rèm noren, đèn lồng đỏ, chữ Kanji và lời chào vang lên bằng tiếng Nhật, một lát cắt thú vị giữa lòng đô thị.

Cứ 3 lần/tuần ông Kenji (trái) và bạn là ông Takao và đến phố Nhật để thưởng thức các món ăn quê hương mình. Người Nhật nói rất thích khu vực này vì sự yên tĩnh, an ninh và rất dễ sống. Các hàng quán ở đây và ở Nhật có sự tương đồng khoảng 80%
ẢNH: UYỂN NHI
Ngoài phố Nhật, phường Thạnh Mỹ Tây còn có “con đường ẩm thực sinh viên” ở đường Nguyễn Gia Trí. Đến đây vào mỗi tối cuối tuần, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác: đông đúc và náo nhiệt.
Hạ tầng hiện đại và ký ức đô thị trăm năm
Người dân sống ở TP.HCM lâu năm không ai không biết ngã tư Hàng Xanh, dù tên gốc của khu vực này là Hàng Sanh.
Khác với những tòa nhà gạch ngói men kiểu Pháp thấp thoáng ở khu vực chợ Bà Chiểu (phường Gia Định), nơi đây ồn ào với nhiều xe cộ qua lại, kẹt xe mỗi buổi chiều tan tầm. Hàng Xanh mở ra 4 hướng đi Thị Nghè, Đa Kao, cầu Bình Triệu và cầu Sài Gòn.
Lật giở cuốn sách Sài Gòn đẹp xưa của Phạm Công Luận, thập niên 40 của thế kỷ trước, con đường này gọi là Avenue de l’Inspection (nay là đường Bạch Đằng). Khi đó, 2 bên đường trồng san sát cây sanh (loài thuộc họ dâu tằm – PV) tỏa bóng mát bên lề đường nên người dân từ đó quen miệng gọi là Hàng Sanh.

Sau sáp nhập, phường Thạnh Mỹ Tây có 2 nhà ga metro số 1 là Tân Cảng và Văn Thánh. Trong ảnh là nhà ga Tân Cảng, nằm song song với cầu Sài Gòn
ẢNH: PHẠM HỮU
Sau sáp nhập, phường Thạnh Mỹ Tây càng trở nên sôi động hơn khi sở hữu 2 nhà ga trên tuyến metro số 1 là ga Văn Thánh và ga Tân Cảng. Ga Tân Cảng là một trong số ít nhà ga có tới 4 làn tàu, quy mô vượt trội so với các ga khác chỉ có 2 làn.
Về vị trí địa lý, phía bắc phường Thạnh Mỹ Tây giáp sông Sài Gòn và phường An Khánh, nơi đang phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế tương lai với các khu vực như “phố nhà giàu” Thảo Điền, bán đảo Thủ Thiêm. Phía nam giáp phường Sài Gòn, nơi hội tụ các ngân hàng và trụ sở doanh nghiệp lớn.
Phường cũng sở hữu các trục đường huyết mạch như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh… đóng vai trò quan trọng trong giao thương và kết nối liên vùng.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh được xem là tuyến đường huyết mạch của phường. Trên đường này có rất nhiều tòa nhà cao tầng, sầm uất bậc nhất TP.HCM
ẢNH: PHẠM HỮU
Không chỉ hiện đại về giao thông, phường Thạnh Mỹ Tây còn là nơi lưu giữ nhiều di sản đô thị có tuổi đời hơn 100 năm. Trong đó có chợ, nhà thờ Thị Nghè và đặc biệt là cầu Thị Nghè, một trong những cây cầu cổ nhất Sài Gòn. Những công trình góp phần bồi đắp chiều sâu văn hóa cho vùng đất này.
Theo Trung tâm lưu trữ quốc gia II, cầu ban đầu được gọi là cầu Bà Nghè, xây từ đầu thế kỷ 18 để bắc qua rạch Thị Nghè, phục vụ nhu cầu đi lại trong quá trình thiết lập phủ Gia Định. Sau khi bị cháy vào thập niên 1860, người Pháp xây lại cầu vào năm 1863 tại vị trí hiện tại, ban đầu là cầu gỗ. Dù nhiều lần đổi thay, cầu Thị Nghè vẫn giữ nguyên vị trí ấy đến tận hôm nay.

Đường Nguyễn Gia Trí “con đường ẩm thực sinh viên” sôi động bậc nhất tại phường Thạnh Mỹ Tây
ẢNH: CTV
Phường Thạnh Mỹ Tây sau sáp nhập đang từng bước khẳng định bản sắc riêng bằng sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, giữa ký ức trăm năm và những đổi thay của đô thị trẻ đang lớn từng ngày.
Nguồn: thanhnien.vn