Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng gây sức ép yêu cầu Israel và Syria hạ nhiệt tình hình giao tranh diễn ra gần đây.
AFP hôm qua đưa tin lực lượng chính phủ Syria đã thông báo bắt đầu rút quân khỏi TP.Sweida ở miền nam nước này. Động thái trên diễn ra sau cuộc không kích của Israel vào cơ sở Bộ Quốc phòng Syria ở thủ đô Damascus (Syria) và đề nghị của Mỹ yêu cầu dừng giao tranh. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 16.7 cho biết các bên đã nhất trí về những bước cụ thể để ngay trong ngày chấm dứt tình hình căng thẳng.

Thành viên lực lượng chính phủ Syria phóng rốc két tại TP.Sweida, miền nam Syria ngày 16.7
ẢNH: AFP
Trong tuyên bố ngày 17.7, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa hoan nghênh nỗ lực hòa giải của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập. Ông chỉ trích các cuộc tấn công của Israel đã làm phức tạp tình hình và khiến căng thẳng leo thang, song sự can thiệp của các nước trung gian đã ngăn khu vực Trung Đông rơi vào “số phận bất định”.
Căng thẳng leo thang tại miền nam Syria khi quân chính phủ Syria ngày 14.7 xuất hiện tại TP.Sweida để kiềm chế cuộc xung đột sắc tộc giữa nhóm người Bedouin theo Hồi giáo dòng Sunni và người Druze vốn có quan hệ gần gũi với Israel. Tuy nhiên, quân chính phủ Syria đã đụng độ với lực lượng dân quân người Druze, sau đó Israel tấn công với lý do bảo vệ nhóm người này. Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh) cho biết hơn 500 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ kéo dài từ cuối tuần trước. SOHR cũng ghi nhận lực lượng chính phủ Syria đã rút khỏi tỉnh Sweida.
Lãnh tụ tối cao nói Iran sẽ phản đòn mạnh nếu Mỹ, Israel lại tấn công
Bước đi của Mỹ
Việc Mỹ sớm gây sức ép, yêu cầu lực lượng chính phủ Syria rút quân và Israel ngừng không kích được giới quan sát đánh giá có thể tránh được kịch bản căng thẳng leo thang mất kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các cuộc tấn công vũ trang vừa qua là “sự hiểu lầm”, theo CNN. Chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua có những chính sách chủ động cải thiện trong quan hệ với Syria. Do đó, một cuộc đụng độ leo thang giữa chính quyền Tel Aviv, đồng minh thân cận của Mỹ, và Damascus có thể đưa Washington vào tình thế khó xử trên bàn cờ chính trị. Xét rộng hơn, Mỹ đang ưu tiên sự ổn định ở Trung Đông, khi trực tiếp làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Israel và các đối thủ ở khu vực.
Mỹ đã có nhiều động thái đáng chú ý mà ông Trump nói rằng sẽ mang đến cho Syria một “khởi đầu mới”. Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận Syria, tham gia hòa giải các tranh chấp giữa chính quyền Damascus và các nhóm vũ trang người Kurd. Đặc biệt, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống lâm thời al-Sharaa là lần đầu tiên lãnh đạo hai chính phủ Mỹ – Syria gặp nhau sau 25 năm. Song Mỹ cũng cần để ý những lo ngại an ninh của Israel đối với Syria. Tel Aviv cho biết rất quan tâm mục tiêu đảm bảo an ninh biên giới ở phía bắc giáp Syria, ngăn Iran khôi phục ảnh hưởng ở Syria.
Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ) ngày 16.7 dẫn nhận định của chuyên gia Daniel Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, nói rằng Washington có thể dùng những chính sách làm đòn bẩy để gây sức ép lên Damascus, buộc chính phủ Syria phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả xung đột sắc tộc ở miền nam. “Cùng thời điểm, Mỹ cũng cần yêu cầu Israel hạn chế các cuộc tấn công. Hành động cục bộ nhằm bảo vệ người Druze là một chuyện, nhưng tấn công vào mục tiêu chính phủ ở Damascus có thể khiến bất ổn lan rộng và làm xói mòn cơ hội đạt thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Syria trong tương lai gần”, ông Shapiro nói.
Reuters đưa tin Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn trong ngày 17.7 để bàn về căng thẳng ở miền nam Syria và cuộc tấn công của Israel vào Damascus. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã lên án vụ tấn công của Israel bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17.7 kêu gọi các bên tránh những hành động làm leo thang tình hình.
Nguồn: thanhnien.vn